Thursday, November 1, 2012

Tháng 8 - 2005


2

Thử tìm xem cơ thể mình chịu đựng được đến đâu?

107-117 độ F. Người ta nói đến những người bị chết nóng ở vùng có nhiệt độ như thế.


Một chuyến đi tìm nóng. Ai trên chuyến xe cũng đều biết mình sẽ chạm mặt cùng nóng . Tin tức khí tượng báo trước một tuần, nhiệt độ sẽ cao thấp ra sao, bão ở miền đông ảnh hưởng đến miền tây thế nào, luồng khí nóng từ đâu đến, hơi nước từ đâu sang v.v. Cùng đi, thăm mùa hè của California.

Trên chuyến xe có 51 hành khách, một hướng dẫn viên du lịch, một tài xế. Hai hành khách lớn tuổi 70 - 75, mười hành khách con nít 16 - 9, còn lại trong độ tuổi trung niên. Mười bốn gia đình. Mười bốn cựu sinh viên trường VBQG Đà-Lạt các khóa 17-26-28-29.

Tôi bước ra khỏi xe, chiếc xe buýt chở khách đi du lịch tiện nghi, máy lạnh làm vài người trong xe phải mặc áo khoác. Cái nóng phà vào da, táp cháy những sợi lông măng, trên đôi vai để trần. Nóng thật. Nhưng chỉ đôi phút thôi, sau đó tôi thong dong ngắm những đồi, những suối, nhũng giọt nước vẫn trắng tinh khôi, long lanh ánh mặt trời thủy tinh trong suốt.

Mọi người theo xuống xe, đoạn đường dài bó đôi chân khó chịu, tôi luôn là người xuống xe nhanh nhất. Đi trong đoàn , phải theo đúng giờ người hướng dẫn yêu cầu, nên thời gian luôn thiếu thốn. Các gia đình ở xa vội vã chụp hình, còn tôi đứng ngắm thiên nhiên hùng vĩ.

Không biết nợ hay duyên mà tôi ngắm núi này trông núi nọ, ngắm hòn đá Yosemite mà nhớ hòn đá Định Quán, ngắm thác Bridal Viel lại nhớ thác B'lao , nhìn gốc thông xanh nhớ ngẩn ngơ Đồi Cù một thuở. Ngay cả cái nóng cũng làm tôi nhớ nắng Việt Nam, nhớ thêm chút nữa là cái nóng tôi ngồi bên lò than đá, nung ống lõi chỉ, để kéo ra làm sườn xe đạp sau năm 1975. Cái nóng của than đá không dịu dàng như cái nóng của bếp nấu cơm, không mát như cái nóng canh bánh chưng ngày Tết, nó dữ dội hừng hực, phải thế mới đủ nung lõi chỉ dệt, được đúc bằng nhôm cháy đỏ. Cái nóng Yosemite mang tôi về bên lò than đá nung lõi chỉ , suốt đoạn đường sau đó.

Tôi không biết có phải trời xui đất khiến, cho gia đình tôi tìm ra cách sống trong xã hội chủ nghĩa không, mà tôi đã trải qua không biết bao nhiêu nghề để kể.

Vốn sống của tôi chỉ là những quyển sách học, truyện ngắn-dài, thơ văn lãng đãng, đụng chạm với đời là những lần đi công tác trong gia đình Nghĩa Sinh Việt Nam - hướng đạo Việt Nam. Tôi mang đôi mắt nai ngơ ngác ra chợ trời bán quần áo cũ, được đôi tháng, mua tủ kính bán bánh bông lan; Những chiếc bánh chỉ được làm khi nhà có tiệc, nổi trôi theo tôi ra chợ bán buôn; những cái bánh xinh xinh hình bầu dục , nằm gọn trong lòng bàn tay, được tôi đặt lên một đóa hoa tigon hồng làm duyên trên mặt. Không biết lúc nào thì tôi biết chuyển sang thuốc tây - những viên thuốc chuyền từ cửa sau nhà thuốc nhân dân, đến những viên tylenol được gởi về từ Mỹ.

Nhu cầu làm đẹp của các bà chuyển tôi sang nghề thêu rua kim chỉ. Cứ tưởng học nữ công gia chánh ngày xưa để may áo, đơm khuy, nâng khăn sửa túi cho chồng, ngờ đâu nuôi sống được bản thân, gia đình trong cơn túng quẫn.

Có công mài sắt có ngày nên kim - tôi không mài sắt, mà dùng kim nhiều quá. Cây kim đít vàng mỏng tanh, thêu thì đẹp, dùng mãi ngày này sang ngày khác, nó đâm vào ngón tay tôi thành một vết chai. Vết chai không đau nhưng khi kim đâm xuyên qua phần da còn mềm chưa chai cứng , cảm giác thốn lên óc là thường. Có những đêm, phải thêu cho xong áo cưới, tôi thức đến sáng. Chắc một điều, một trong những đóa hồng có vương giọt máu của tôi.

Kỷ niệm tôi còn giữ là chiếc áo dài các cô học trò học thêu , thêu cho tôi trước khi tôi đi sang Mỹ, tấm tranh tôi thêu trong thời gian chờ đợi chuyến bay.

Đôi khi tôi thấy lại những tấm tranh tôi đã gởi sang Mỹ nhờ bán, được treo trong nhà họ hàng, anh em. Nước mắt tôi rưng rưng. Nhớ khi ra bưu điện, gởi những gói quà nhỏ, trong có hai xấp áo dài đã được thêu, một tấm tranh phải xếp hàng từ 4-5 giờ sáng. Gia đình ở Mỹ gởi tiền về , lại đi mua vải, lại thêu gởi sang bán lấy lời. Ngờ đâu, gia đình giữ lại chứ có bán chác gì đâu. Ít ra vợ chồng tôi không mang tiếng xin tiền ngoại quốc để sống.

Nghề làm sườn xe đạp phát xuất từ ông thu mua ve chai trong khu dệt Tân Bình. Anh tôi vì là "ngụy" không dễ tìm ra cách sống với chính quyền luôn thù nghịch, muốn tống khứ anh đi cho khuất mắt. Một buổi sáng lơ tơ mơ, ngồi uống cafe vỉa hè, tán dóc cùng ông "đồng nát" mới biết ông vào xóm dệt thu mua lõi chỉ, bán cho vựa trong Chợ Lớn. Từ vựa ve chai này, ống chỉ được mua để kéo thành sườn xe đạp. Loại sườn nhôm đắt tiền không phải loại sườn được dùng thùng phuy cắt uốn. Anh đạp xe đi tìm hiểu ngọn ngành, chúng tôi bắt đầu gia nhập vào giới sản xuất. Vốn liếng gom góp được từ thuốc tây-kim chỉ- dồn sang lõi chỉ, tìm nơi có máy móc để mướn họ gia công làm thành sản phẩm, đem đi giao đến các xưởng hàn sườn xe đạp, các chợ bán phụ tùng xe đạp. Cả một nước phương tiện giao thông đang từ xe gắn máy, xe lam, xe tắc-xi được nâng cấp dùng toàn xe đạp. Loại xe dùng cho học trò là chính trước 1975.

Tôi đứng nhìn những chiếc xe đạp thật đẹp, dựng ngổn ngang không cần khóa trên đường, trong công viên Yosemite. Những chiếc xe được dùng để đạp đi chơi, đạp để tập thể dục, đạp cho vui, không là những chiếc xe đạp tôi quý như một gia tài, dùng để chở gạo từ Tây Ninh về Sài Gòn bán, dùng để chở lu từ Bình Dương về ngay cả chở hai ba két bia, két nước ngọt để tìm vài đồng tiền lời mà sống .

Dòng nước từ tuyết tan chảy tràn lan thành suối, những đoạn khấp khuỷu gập gềnh, những đoạn thong dong nhàn nhã. Tôi đứng ngắm đoạn suối bình an. Nhúng chân vào nước mát , ngay cả ngọn tóc của tôi cũng cảm thấy rười rượi làn gió hè phe phẩy, dưới bóng mát rặng thông thật to. Trong trí nhớ tôi lại thấy hình ảnh mình gần bốn mươi năm trước, Đồi Cù Đà Lạt thênh thang.

11

Cuộc hành trình nào cũng thế, rồi cũng đến lúc phải về, bao lưu luyến, nuối tiếc bắt đầu mang mang. Ánh mắt nhìn nhau bớt lạ, câu chuyện nói cùng nhau đã bớt ngại ngùng.

Sáu tiếng ngồi trên xe không là ba trăm sáu mươi phút nữa, nó trở thành một khoảng thời gian thật ngắn, không đủ nói hết những lời giã từ muốn nói. Nhất là sau khi vợ chồng anh chị V. chào từ giã xuống xe với đôi mắt mọng nước. Tôi nhớ mãi hai đồng điếu trên khoé cười của chị, những câu chuyện anh kể rề rà về một thời tuổi trẻ ngông nghênh, xem "trời bằng vung" sống không cần biết đến ngày mai , sau khi đặt chân lên đất Mỹ.

Khóa 28 VB-VN đã không có đêm truy điệu tại vũ đình trường, để canh thức ánh lửa lung linh, gọi hồn linh tử sĩ trở về chứng kiến ngày các anh ra trường, đeo trên cầu vai chiếc lon thiếu úy, chứng nhận đã thụ huấn xong chương trình huấn luyện văn hóa và quân sự 4 năm. Văn bằng của các anh tương đương với cử nhân khoa học ứng dụng, một hành trang đủ để thành người hữu dụng trong mọi hoàn cảnh trong tương lai. Tôi ngắm nụ cười, đôi mắt của từng người khi nhắc đến một thời tuổi trẻ, nhắc đến một chuyện đơn giản "lắm vậy thôi" mà thấy được chàng thanh niên tràn trề sức sống, ăm ắp ước mơ đội đá vá trời , chỉ đến khi vợ khẽ khàng hỏi :"Anh lấy nước cho con" , chàng thanh niên biến mất, mái tóc hoa râm, dấu chân chim thời gian hằn trở lại, hiện tại không nương người , cứ buộc người ta hướng về phía trước.

Tôi nghe vài đoạn của những bài hát một thời "nắng có hồng bằng đôi môi em , mưa có buồn bằng đôi mắt em..." nghe chuyện kể đứa con đầu lòng là tên của người tình đầu tiên, chưa kịp thề non hiện biển , những chuyện khóc cười ngày đầu đặt chân lên nước lạ, tình bạn đồng khóa, khác khóa đối với nhau, chuyện thành công thất bại, chuyện sống chết phủ phàng, chuyện khổ đời thuyền nhân sau ngày trại tị nạn đóng cửa , chuyện sống còn trong gang tất mỏng manh. Tất cả những câu chuyện ấy cho tôi thấy dòng chẩy của con sông, chuyên chở trong lòng nó bao nhiêu sắc màu lóng lánh , những hòn đá góc cạnh sắc bén ngày xưa, trở thành những hòn cuội tròn trịa hiền hòa, lòng sông không hẹp như khi khởi thủy mà ngày càng rộng lớn hẳn ra , chan chứa hài hòa ôm ấp bao dung. Tôi nghe những câu cám ơn , xin lỗi để sau cuộc du ngoạn này, ai về nhà ấy, chuyến du ngoạn trở thành một món quà kỷ niệm, chất thêm vào ngăn ký ức đã gần đầy.

Trên tất cả những điều tôi nghe và thấy là các cháu , "con nhà ai quai nhà ấy". "Chị nhìn thằng này là ra ba nó hồi xưa" , "Nụ cười con gái giống cha , ba con hồi đó cười mỉm là các cô Đà-Lạt lăn đùng ra nhớ". Lo lắng cho các con là mối bận tâm trên hết của các anh, các chị. Nói đến các con, câu chuyện vui hơn, rộn rã hơn. Các cháu sẽ ra trường, đã ra trường, đang học , sẽ vào đại học không dứt. Tương lai của các con, như khoảng trời cao, trong xanh rộng lớn, các con xoải cánh bay tự do thênh thang. Cha mẹ ngóng trông theo dưới hiên đời bóng xế.

Hạnh phúc khổ đau pha trộn mỗi ngày trong đời sống, như đám đậu đen đậu đỏ, trong rổ cô Tấm ngày xưa. Trong ký ức tôi, luôn là những hạt đậu ân tình, hạt đậu hạnh phúc, những khổ đau, bất ưng ý tôi vứt lại bên đường.

Cám ơn Trời những thân tình tôi đong được từ các anh các chị K28 CSV-VBQG- Đà Lạt, trong chuyến du ngoạn Hè California, năm 2005.





No comments:

Post a Comment