Thursday, November 1, 2012

Chép Lại

Tháng Sáu trời mưa là chuyện thường nơi quê tôi, sáu tháng mưa sáu tháng nắng. Nhưng nơi đây, tháng sáu trời còn mưa và lạnh thì hơi lạ.

Sáng nay ngủ dậy, những hạt mưa từ mái hiên rơi xuống, ra sân, ngắm những cây con vừa nhú sau tháng đông lạnh giá, tìm ra vài bụi hoa nhỏ nhoi trốn trong đám hoa hẹ tím. Bụi hoa cẩm nhung, cánh hoa giống như hoa cẩm chướng, nhỏ hơn chỉ có một lớp cánh. Có lẽ gió to đêm qua mà cành hoa lay-ơn bị đổ rạp. Các loại hoa này nở xong sẽ tàn, sang mùa xuân sau nở tiếp.



Tôi vắng nhà 5 ngày. Chỉ 5 buổi sáng không ra vườn thăm hoa cỏ và những chú cá trong hồ , mà hôm nay tụi nó lạ hẳn. Chậu hoa lan ý (calla lily) màu tím lại nở rộ, tôi có cả hoa màu trắng, màu vàng và màu hồng. Nàng hoa tím này tôi trồng vào chậu để khi hoa nở có thể mang khoe trước nhà. Các cô vàng, hồng tôi trồng dưới đất, nên khi hoa nở , muốn khoe phải cắt mang vào nhà.



Tôi ở CA - sang Houston-Texas. Thời tiết khác hẳn. Năm trước tôi đã thăm Dallas, đã biết, thế mà vẫn chưa quen. Chuyến đi rất bất ngờ, có lẽ vì bất ngờ nên vui chăng. Tôi không nghĩ mình đi chơi, chỉ mong mỏi được gặp con gái con rể, gặp người thân thuộc từ VN đã không gặp lâu năm. Tôi loay hoay trong chợ, trong bếp, nấu nướng cho mọi người ăn. Tôi ít khi mua quà cho mọi người, món quà tôi mang đến là tấm lòng tôi có, và những món ăn tôi chau chuốt dọn bày.

Đi để nhìn để học, đọc là một chuyện , nhìn tận mắt là điều khác. Con người Việt Nam cần cù, cầu tiến. Từ một nơi thật xa chúng tôi đến sống nơi này, những ngôi nhà, khu chợ , những bác sĩ luật sư, những chức vụ trong guồng máy chính quyền sở tại , những đài phát thanh, tượng đài , chùa, nhà thờ được xây cất nguy nga trân trọng. Tôi thán phục cộng đồng Việt Nam tôi.
Tôi hiểu, tấm huy chương nào cũng có mặt trái, chấp nhận những lủng củng để thấy di dân VN làm được thật nhiều điều, nhất là những thế hệ kế thừa. Các bà mẹ, chỉ với cái kềm làm móng tay móng chân, đã nuôi đàn con khôn lớn, ăn học đến chốn đến nơi. Các ông bố, đi làm công nhân suốt đêm trong xưởng máy cũng dẫn được con đến trường đại học. Mắt tôi cay cay, khi biết những điều thật đơn giản này. Đất nước tôi, đường vào đại học chông gai.





Tôi không đến thăm được cậu em tôi quí mến. Tôi muốn gặp bé NyLong, muốn thấy tại sao cậu không trồng được bụi Sơn Chi , muốn thấy tổ ấm của cậu. Hai chị em chịu thua thời gian và những bất ưng ý. Nhờ vậy tôi sẽ có dịp để đến thăm Houston lần sau.

Tôi gặp HV lần đầu, rất dịu dàng như dòng chữ viết. Tôi gặp HV vì tôi biết bạn đau, gặp bạn , bạn đã hết đau nhưng anh Hưng của bạn đang đau. Lại bất ngờ gặp anh chị Phúc-Yến , anh Phạm Cơ. Gặp nhau rất nhanh, rất vội, nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt, những câu thăm hỏi ân cần , tôi biết chúng tôi có cùng một mẫu số. Những hàng me bên đường Sàigon` năm xưa, những nắng mưa nhiệt đới, khoảnh trời mênh mông, đoạn nhạc cùng thời. Văn vẻ, vần điệu chúng tôi cùng biết, chỉ khơi lên một chữ cùng òa vỡ râm ran.

Tối qua, tự dưng tôi thấm ra một điều, tôi khó khăn với chính tôi quá đáng về một danh xưng - nhà văn; nhà thơ. Tôi đã viết, đã khẳng định, trong mỗi con người Việt Nam là một nhà thơ. Các bà mẹ già VN không biết một chữ cái nào, cũng ru con miên man bằng Kiều, bằng Cung Oán, bằng Chinh phụ, ngàn câu ca dao truyền khẩu. Những vần điệu ấy khiến người VN thành thi sĩ tự trong nôi. Và tôi, các bạn tôi, chúng tôi đã sống trong khoảng thời gian lịch sử, chứng kiến một đoạn lịch sử thật buồn , kể lể, ghi lại, giữ lại tại sao không rộng rãi để nhận rằng, mê man viết, thèm thuồng viết, say sưa viết, đã là một bước ngập ngừng đặt lên con lộ văn chương? Vâng tôi có rất nhiều bạn là nhà văn nữ, nhà thơ nữ , các bạn tôi chau chuốc từng câu từng chữ, gom góp từng dấu chấm , dấu phẩy, để vẽ thành bức tranh muôn màu thân phận Việt Nam.

Lần đi này, máy bay đã không làm phiền tôi nhiều lắm , chỉ một điều làm tôi không vui là, thiếu một nửa của tôi. Điều này rất hiếm khi xảy ra



tháng 06 18 /2005 

No comments:

Post a Comment