Thursday, November 1, 2012

Tháng 12 - 2005


Ngày 24 tháng 12 sẽ là ngày lễ Giáng Sinh. Ngày sinh nhật đấng Cứu Thế cách đây đã hơn hai ngàn năm.

Với tôi, khi còn bé ngày Giáng Sinh là ngày gia đình cùng nhau dựng hang đá bằng bao giấy đựng xi măng bỏ đi, bố tôi treo chiếc đèn ông sao truớc nhà, biểu tượng của gia đình công giáo, dự thánh lễ nửa đêm, khi về gia đình tôi cùng nhau ăn bữa ăn nhẹ , me tôi hay nấu cháo gà, và nhất là một cái bánh nhìn giống khúc cây.

Khi tôi tròn trăng me tôi mất, thánh lễ nửa đêm thiếu mẹ, bố tôi và chị em tôi vẫn giữ đúng thông lệ, một hang đá nhỏ, một nồi cháo gà, chiếc bánh chị em tôi làm truớc một ngày giữ trong tủ lạnh.

Điều tôi luôn nhớ là trên đuờng đi dự thánh lễ, bố me tôi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thật hay thật cảm động về đáng cứu thế, về những việc chúng tôi nên làm trong ngày sinh nhật Chúa. Những câu chuyện lớn dần lên với chúng tôi cho dù ba me của tôi không còn trên duơng thế.

Hình ảnh bố tôi đặt tuợng Chúa hài đồng vào trong hang đá một cáh trìu mến , cùng với giọng trầm ấm nói cho các con nghe về câu chuyện Thánh Gia nghèo hèn hạnh phúc.

-"Đây là Thiên Thần hát mừng Chúa giáng sinh, đây là Mẹ Maria hiền dịu như Mẹ của các con, mai sau khi các con lớn bố biết các con cũng sẽ là những người mẹ hiền chăm xóc gia đình. Đây là thánh cả Giuse người thợ mộc hiền lành, bảo vệ vợ con lánh xa kẻ dữ, đi làm kiếm tiền để nuôi sống gia đình, giống như bố đi làm để nuôi các con, dạy dỗ các con nên người hữu dụng."

Các em tôi đôi mắt mở to nghe lời bố, tôi lăng xăng giúp bố, uống lấy lời bố kể, ông hay lồng trong câu chuyện lời ông nhắn nhủ, dạy dỗ các con.

Lễ Giáng Sinh đối với tôi là ngày gia đình cùng nhau chia xẻ buồn vui, bố tôi dạy chúng tôi chia thức ăn đến người nghèo đói, chia quần áo đến kẻ thiếu chăn , sống tinh thần Thánh Gia khởi đi từ hang đá cơ hàn. Sau đêm Giáng Sinh tôi nhớ bố chở mẹ và hai em trên chiếc xe suzuki, tôi và hai em nữa đạp xe theo bố đi thăm cô nhi viện. Cô nhi viện của nhà dòng, có cô của tôi là dì phước chăm sóc. Hay có năm, cả gia đình tôi đi về làng gì đó tôi không nhớ rõ, để chơi với anh chị của tôi, nhà lá, nền đất nện, những người đan tre đan lát, các anh các chị muốn đuợc đi học phải lên nhà tôi ở. Bố tôi hay nói ,các con đuợc sống sung sướng, đuợc đi học phải ráng học cho giỏi.

Phần mẹ tôi, tôi học được từ mẹ sự dịu dàng, nhẹ nhàng, những xấp vải mẹ mang theo biếu các bác, các cô để may quần áo cho các cháu, những phần bánh mẹ tôi mang về làm quà, nhà nào cũng có. Mẹ tôi đến đâu cũng đuợc mọi người thuơng mến, bà không ngồi ở phòng khách, mà luôn vào trong bếp để xem, để biết thùng gạo có đầy, chai nuớc mắm có lưng không, lần sau khi xuống thế nào bà cũng mang đúng những thứ các gia đình đó cần.

Những hạnh phúc tôi có với Bố Mẹ tôi không nhiều lắm, nhưng tồn tại mãi trong ký ức tôi cả đời, không phai nhạt.

Những bài học tôi gom góp đuợc từ bố mẹ của tôi , tôi muốn lập lại cho các con, các cháu. Nhưng khó khăn làm sao, hình ảnh những khu mua bán dập dìu, đèn sáng chưng, những gói quà màu sắc rực rỡ bên ngòai, bên trong rỗng tuếch lại là những thứ người ta đang gởi gấm cho nhau trong mỗi mùa Giáng Sinh. Ngay cả hang đá nghèo hèn, nay người ta cũng trang trí thật xa hoa lộng lẫy.

Ngồi trong phòng đợi phẫu thuật, những ánh mắt lo lắng, tiếng khóc òa khi bác sĩ báo tin dữ, niềm vui khi bác sĩ báo đã hòan thành bình an, mọi điều ấy pha trộn thành đời sống. Niềm vui nhỏ nhoi, hạnh phúc không tòan vẹn ngắn ngủi, đau khổ và lo lắng luôn hiện diện kéo dài. Đến một lúc con người cảm thấy mình bất lực khi nhìn đau đớn của người khác mà không biết làm sao chia xẻ, khi chính mình đang lo lắng cho người mình yêu quý. Tôi chỉ biết nói câu "rất tiếc" và xiết tay người ngồi kế bên tôi, khi gia đình họ không thể mang người thân về cùng khi ngày lễ Giáng Sinh sắp đến. Nước mắt chỉ làm nhẹ đi sự trĩu nặng trong lòng.

Hôm qua tôi vừa giăng đèn chung quanh nhà, vừa dựng cái cây thông lên trong phòng khách, tôi có cái hang đá nhỏ, tôi sẽ để ra cái bàn ngòai sân. Hai tuần nữa con gái út tôi về. Tôi muốn linh hồn ngày Giáng Sinh có trong nhà tôi, ngôi nhà nhỏ của tôi. Lòng tôi đang thật bình an sau hơn ba tuần lo lắng cho anh, lo lắng nhưng không nói ra, tìm những việc làm lẩm cẩm cho quên đi.
Cuộc đời có nhiều bất ngờ không đóan truớc, một cơn bịnh đơn giản có thể thay đổi cuộc đời nhiều người liên hệ, một tai nạn cũng có thể làm cho một gia đình đang hạnh phúc trở thành đớn đau mất mát. Anh đang ngồi bên tôi, còn đau một chút , nhưng hạnh phúc vì chúng tôi có nhau.

Các bạn ơi, mùa lễ Giáng Sinh là mùa chia xẻ, không phải là mùa tất bật chạy đi mua quà, gói thật đẹp thật sang , cho người này biếu người nọ. Mùa lễ Giáng Sinh là mùa lễ gia đình, vợ chồng con cái, anh chị em, bạn bè thân thuộc. Bên cạnh đó hãy chia xẻ đến những người bất hạnh bạn biết, bằng tất cả tấm lòng của bạn gói ghém trong đó bạn nhé.

Thân mến gởi đến các bạn và gia quyến lời cầu chúc bình an trong mùa lễ Giáng Sinh này.

27


Những ngày lễ được thanh thản, bạn bè gặp gỡ, lăng xăng nấu nướng, vui vẻ nói cười, tất cả bằng cả tấm lòng tôi có.
Mùa lễ tôi không thích đi mua sắm, tôi thích ngắm nghía những tâm hồn ngày lễ, để nghiệm ra rằng chỉ còn niềm vui trong ánh mắt của trẻ con dưới mười hai tuổi. Trên mười hai tuổi hình như các cháu khẳng định không còn ông già Noel nữa, chỉ là cha mẹ họ hàng, những người lớn dùng quà để trao đổi sự ngoan ngoãn của các cháu. Tôi không khẳng định tất cả trẻ con trên thế giới, chỉ dám nói đến các cháu ở gần chung quanh tôi, đang sống trên một đất nước được mệnh danh là trù phú nhất thế giới. Cha mẹ bận rộn đi làm, trả lại các con những thiếu thốn tinh thần bằng những bộ trò chơi điện tử, bằng những quần áo đồ chơi con muốn, không phải các thứ con cần.

Từ những điều này tuổi thơ đã vụt lớn, không ít những gia đình tan vỡ vì cha mẹ đổ lỗi lẫn nhau - không chăm sóc giáo dục con đầy đủ để con hư. Sau đó họ, những người cha nguời mẹ, cho thêm họ cái quyền tự do lìa bỏ nhau, lìa bỏ cái địa ngục họ tạo ra mà không biết, không hay. Các cháu ngơ ngác nghe tin phải sống với cha vài ngày, với mẹ vài hôm sau khi giấy tờ li dị được ký.

Lâu lắm rồi tôi đã biết, càng khốn khổ chừng nào, khi nhận lãnh niềm vui dù nhỏ bé thôi càng hạnh phúc chừng ấy. Thượng Đế khi tạo dựng con người, có lẽ Ngài đã cân bằng sướng khổ cho con người, nên ai ai cũng được sống theo cách họ muốn - cách họ tìm.

Gia đình tôi, không phải là một gia đình hoàn hảo, những tranh chấp, những xáo trộn luôn có, nhưng cách giải quyết thế nào là điều tôi muốn nói đến.

Trong gia đình.

Tôi không để lưỡi tôi nói ra những điều làm tổn hại tự ái của chồng - con - cha mẹ, anh chị em.
Tôi luôn để mắt tôi thấy những điều đẹp đẽ từ những người đối diện.
Trí óc tôi nghĩ đến những việc tốt đẹp tôi nên làm dù phần thiệt thòi mình nhận lãnh
Xin lỗi và Tha Thứ.

Tôi đang viết về một bà thánh ư? Không đâu, để làm được các điều trên tôi phải có một tình yêu thật sự. Yêu đủ để nhập vào người khác, hóa thân thành người khác mà suy nghĩ giống như họ cùng họ.

Điều gì khiến tôi viết về tình yêu - tình gia đình thế này! có lẽ hai bộ phim tôi xem chăng? Mê Thảo thời vang bóng - Memoirs of a Geisha.

Người ta có thể yêu đến độ cuồng điên, làm phương hại những người chung quanh. Yêu mù quáng đến nỗi quên đi người bên cạnh là người xả thân che chở, chăm sóc đến mình như ông quan Huyện Mê Thảo không thấy được chân tình của Cam.

Yêu tha thiết tiếng đàn quyện cùng giọng hát, để người chồng uât lên mà chết như cô Tơ

Cũng yêu đủ để chết theo đàn như Tam anh nghệ sĩ si giọng hát người tình.

Mỗi con người có quyền lựa chọn cho mình một cách yêu. Nhưng Yêu như thế nào để không hại đến người khác là điều không phải dễ.
Chỉ yêu không thôi cũng đã khó lường tai hại, nếu có thêm một yếu tố gì khác tiềm ẩn đàng sau thì càng kinh khủng hơn. Bao nhiêu câu chuyện dùng tình yêu để trả thù, để khuynh đảo cả một quốc gia, dân tộc , nhan nhản chung quanh tôi những mối tình mang hơi hám danh lợi, mang mầm mống thù hằn, chưa kể những tính toán so đo giữa các người trong cuộc với nhau.

Bộ phim hai me con tôi xem với nhau trong ngày trời mưa tầm tã - trên màn ảnh cũng tầm tã mưa. Vừa mưa rào, vừa mưa tuyết. Phải đã đọc đã hiểu về Geisha mới có thể biết con người từ xa xưa thưởng ngoạn nét đẹp của người phụ nữ thế nào. Họ huấn luyện uốn nắn đứa bé gái quê mùa được mua từ làng quê hẻo lánh thành một mỹ nhân, đàn ông ai cũng muốn được gần.

Một điều đau đớn là người mỹ nhân này không được phép yêu. Ai cấm được trái tim họ nhỉ. Và mối tinh của nhân vật chính trong phim, khởi đi từ cây kem cô được một người đàn ông cho cô trong thời gian cô còn là cô bé gái lên 10 làm đầy tớ trong nhà của người đàn bà huấn luyện, bán mua kỳ nữ.

Tình yêu nuôi con người khôn lớn với bao hình ảnh đẹp để vương đến và cũng vì tình yêu là nguồn ghen hận để tàn phá lẫn nhau. Vòng tròn xoay quanh nhức mắt. Sáng suốt để đi đến đích cùng nhau là một thử thách cho cả hai, không thể chỉ từ một một phía.

Con gái hỏi mẹ về tình yêu.

Mẹ chỉ biết trả lời :

-"im lặng nghe tim con nói gì , khi nào con bỏ được điều con thích vì một người đó là tình yêu. Con có bỏ được tính phải đi mua sắm, khi nghe tiệm quảng cáo bán giảm giá vì me không?"

-"Nếu me muốn, con không đi với me, nhưng đi với bạn"
-"Vậy là con đâu có yêu me"

-"Ô ! tình yêu là không đi mua sắm khi cửa hàng giảm giá?"

-"Không phải, yêu là giữ cái khăn trong túi áo ngay trước ngực trái giống cô geisha trong phim á"

-"Yêu gì kỳ vậy me - con yêu là con nói thẳng vào mặt nó"
-"Tại con hỏi me yêu là gì mà?"
-"Thôi con biết me yêu là gì rồi, là nấu cơm cho ba ăn, bới cơm cho ba mang đi làm. Tại sao ba không tự bới lấy, ba mới biết là thích ăn gì và bao nhiêu?"

-"Me yêu ba đủ để biết ba thích ăn gì và bao nhiêu"
-"Vậy tình yêu là biết người ta thích ăn gì và ăn bao nhiêu hở"

Chịu thua con gái. Không biết phải giải thích cho con tình yêu là gì, có lẽ mai mốt phải hỏi lại con.

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu"

Ngày xưa nhà thơ Xuân Diệu đã hỏi Vì Sao........

thời của tôi thì ngâm nga

Đành để nghe trời định nghĩa yêu

Đến con gái bây giờ , nếu cháu yêu người bản xứ, thì....tôi đành ngọng nghịu không biết sẽ giải thích thế nào.

No comments:

Post a Comment