Thursday, November 1, 2012

Tháng 11 - 2005

Chiều Thơ – Văn Trần Trung Đạo – San Jose .

Chiều qua, chủ nhật ngày 6 tháng 11 tôi đi dự buổi ra mắt sách của anh Trần Trung Đạo. 
Buổi chiều rất bình dị mùa Thu, không nồng ấm nắng Xuân, không hực vàng nắng Hạ. Buổi chiều bình dị vì nắng rất mềm lá không ngồn ngộn sức sống, lá nhè nhẹ chuyển mình lặng lẽ rơi. 

Đến nghe những vần thơ, nghe lời tự sự của một nhà thơ trong thính đuờng truờng trung học Yerba Buena tọa lạc tại 1855 Lucretia Ave Thành Phố San Jose, tiểu bang California nước Mỹ. Tôi nhận ra trong hội truờng, hơn hai phần tóc bạc, một phần ít thôi tóc vẫn còn đen. Bên lề buổi ra mắt sách là những hẹn hò cho một buổi văn nghệ, cho một ngày ra mắt thi phẩm mới, sáng tác mới. 

Những bài thơ của anh Trần Trung Đạo là những bài thơ xoáy vào tim người đọc, những bài thơ như mũi dao đâm xộc vào luơng tri con người, những bài thơ có lửa để nhóm lên tình nhân đạo, nhắc đến mẹ đến em đến chị, đến anh đến cha đến ông , đến một thân phận Việt Nam, đến một thời đại Việt Nam máu và nuớc mắt đã hòa vào nuớc biển. Anh vẫn viết tiếp những bài văn có lửa cho từng biến cố xảy ra trên quê huơng Việt Nam . Lý do tại sao tôi biết anh, trân trọng những điều anh viết và tôi có mặt lần này . Lần truớc tôi chỉ vừa đặt chân đến SJ qua chuơng trình HO , nên không đuợc dự .

Người thi sĩ rót nuớc mắt cho dân tộc Việt Nam, viết giúp cho những thân phận Việt Nam, bày tỏ nỗi lòng những người con Việt Nam gởi đến Mẹ, đã như chìm đi trong đám đông vội vã áo cơm, cuống cuồng trong dòng xe tất bật chiều chủ nhật. 

Bây giờ người ta bắt đầu nói đến những người con gái tha phương, không còn nhìn ngắm lũy tre làng là ranh giới cho thời con gái, ranh giới của các cô đã là những ranh giới của các quốc gia lân cận. Trung Quốc - Đài Loan - Châu Âu - Châu Mỹ. Các sáng tác thơ văn nào diễn tả được giai đọan này. Nuớc mắt và máu thấm vào đâu, sau giai đọan hòa vào biển. 

Anh Trần Trung Đạo ghi xuống giấy những điều anh chứng kiến, bật tiếng kêu bằng những vần lục bát nghẹn ngào, đọan phim bảy phút trình chiếu buổi chiều sóng vỗ, cô bé nhỏ nhoi lẩm bẩm chia kẹo cho mẹ, cho cha, cho anh cho chị, giọng hát của anh Hưng kể lể, biển pha màu máu. 

Nhắc đến những cái chết lạ lùng, có lẽ chỉ người Việt Nam mình mới có thể giải thích đuợc tại sao? Người đàn ông VN bị xe đụng chết trên xa lộ thênh thang San Jose nuớc Mỹ, làm anh nhớ đến người phụ nữ mang thai nhảy xuống biển theo chồng , mênh mênh mang mang như thế, trong buổi anh mang những tâm huyết gởi đến mọi người, anh đã sống ở San Jose, ngừoi mẹ già VN San Jose đuợc anh trang trọng mang vào thơ, những người Mẹ Việt Nam nứoc mắt luôn chảy xuống. Giọng ngâm của anh không quyện vào tiếng sáo, tiếng đàn tranh mà lại nuơng theo tiếng đàn thùng anh gảy. Sự hòa điệu lạ lùng không trọn vẹn, dang dở bật thành âm thanh réo rắc não nề, không ai đọc đuợc bài thơ có hồn hơn người đã cưu mang ra nó. 

Hội truờng đã im lặng lắng nghe - rưng rưng đôi con mắt, nhưng chắc chắn một điều, theo thời gian sự đau đớn đã phôi pha đôi chút, không như muơi hai mươi năm về trước vết thương còn lở miệng. Bên cạnh những sáo ngữ đuợc dùng “nồng nàn – thắm thiết” tôi tin anh nghe đuợc những chân tình không nói ra, qua những tràng pháo tay đồng tình với câu thơ anh đọc, người tham dự ở lại đến phút cuối cùng, không như những buổi ra mắt sách khác, chỉ hơn nửa tiếng sau khi khai mạc, còn lơ thơ vài chiếc ghế có người .

Cám ơn anh Trần Trung Đạo ghi lại giúp mọi người, đã cùng sống với anh trong một giai đoạn tang thương của đất nuớc, những bài thơ những áng văn trung thực, đẫm yêu thương nhân bản trong đau đớn tang thương. 

Ấu Tím . 

11

Tự dưng không muốn viết gì nữa hết , không nghĩ ngợi, không không và không. 

Nguồn hạnh phúc tôi có, tôi biết tôi có, quá to lớn để tôi viết ra hay kể lể. Mỗi ngày khi thức dậy,tiễn anh đi làm xong, trời còn rất sớm, mặt trời chưa mọc, không gian chung quanh im ắng nếu tôi không bật truyền hình lên xem tin tức. 

Tập vài động tác thư giãn, hay đi bài thái cực quyền, pha ly cà phê, ngồi nhâm nhi và đọc diễn đàn Đặc Trưng - Phố Xưa - Sương Nguyệt Anh - Phụ Nữ Việt - Gạch Nối -TeTet. Cùng lúc với việc mở bếp lên hầm xương, hay nấu thứ gì đó chuẩn bị cho bữa chiều. Các diễn đàn trên đều có các bạn cũ, từng một thời biết nhau trên diễn đàn ĐT, nhắn gởi tôi điều gì đó. 

Giọt sáng vừa soi, là tôi ra khu vườn quanh nhà, tẩn mẩn xem cái này, ngắm cái nọ, nhặt vài chiếc lá sâu, ngắm cái nụ hoa tí tẹo, hay chụp vài tấm hình nếu thích, nhất là thăm đàn cá xem tối qua chúng có bị chồn cáo gì đến phá phách không. Nếu có chồn đến phá, chúng nó sẽ trốn vào trong hốc đá, còn không bị phá, chúng sẽ ra chào tôi buổi sáng và đòi ăn. 

Đời sống của tôi bình an như thế, có gì để khóc muớn thuơng vay mà phải viết vớ va vớ vẩn. Nhưng tôi lại thích viết vớ va vớ vẩn truớc khi đi làm, có điều gì khó chịu tôi cũng thích viết hơn là nói ra, mà hiếm khi tôi bị khó chịu thì lấy gì nữa để viết. Có nhiều khi tôi cằn nhằn cửi nhưởi để "nhõng nhẽo" hơn là để cái nhà buồn hiu không có tiếng nói. Bây giờ tôi mới hiểu hội chứng "trống vắng" như thế nào, truớc đây nghe nói tôi không tin. 

Từ lúc con bé út dọn lên trường , sau một thời gian nhớ nhung lo lắng cho con, bây giờ hơn một năm, đâu đã vào đấy là lúc ngẩn ngơ mang "hội chứng trống vắng" không muốn gì nữa hết. 

"Cái tổ trống" là điều tôi muốn viết cho nhẹ cái phần trống vắng bây giờ tôi đang có. Anh chắc cũng hiểu và đang mang cùng hội chứng trống vắng giống tôi. 

Lạ là ngày cái tổ chưa trống, hai vợ chồng hay đi đây đó , dự hội này tiệc nọ, bây giờ cái tổ trống, hai đứa lại chẳng muốn đi đâu, ngay cả rủ rê bạn bè đến nhà chơi. Tự dưng như khép lại, tự không mà thấy có hai đứa thôi đã đủ. 

Ngắm lại những hình ảnh của anh TaBaLo từ Việt Nam gởi sang , đường xưa lối cũ, quê nhà, những nóc nhà thờ, những hàng cây thẳng, cột điện mảng trời rưng rưng nuớc mắt, đã qua, đã xa, bụi phủ. Có thể dòng đời trôi làm mòn đi nhung nhớ chăng. 

Nơi tôi đến làm việc mỗi ngày cũng bình an như lòng tôi thanh thản. Một khung cửa rộng nhìn thẳng ra hồ nước, mỗi mùa đông vài con vịt trời đến tạm trú, bây giờ tôi đang bắt đầu đợi ngày đôi vịt trời trở lại. Con vịt trống có ngấn cổ xanh biếc, tôi nhớ ngày đi mua-bán vải ở chợ "đèn ba ngọn" trong chợ lớn, người ta có màu soir xanh cổ vit - lúc ấy tôi nghĩ "màu xanh lá cây đậm", bây giờ tôi biết rõ hơn màu xanh cổ vịt, là màu xanh lá cây có ánh biếc lóng lánh, con mái không có viền lông cổ, chỉ một màu xám ỉn, xấu xí. Chị Phuợng Các nói cho tôi nghe, mấy con đực phải có màu mè để con mái đeo theo. Con người thì nguợc lại, con gái phải phải trang điểm để con trai đi theo. 

Từ khung cửa kính, tôi biết nắng hay mưa, xuân hay hạ thu hay đông. Có hôm con chim sẻ xà xuống, nằm xoãi cánh phơi nắng, ngay trên thềm cửa, nơi có cái bàn bằng sắt và hai cái ghế. Bộ bàn ghế này khiến tôi vừa làm việc vừa thèm đuợc ra ngồi uống cà phê ngắm cảnh. Thèm vì đang làm việc, mình không thể bỏ việc, khi làm việc xong chỉ mong về nhà, chả lẽ nấn ná ngồi ngắm vịt trời? Tôi gọi cái thềm hình như không đúng lục lọi trong đầu mãi không ra chữ để gọi "cái sàn gỗ" điểm trang cho khung cảnh này. 

Cái cây cũng lạ, bốn mùa xanh um như liễu rũ, mùa đông lá có rụng nhiều hơn thế thôi. Khỏang hai tuần một lần có người đến vớt lá rụng trong chiếc hồ nhỏ này, nuớc chỉ cao khỏang bằng đầu gối. 

Tôi may mắn quá phải không? chung quanh nhà đầy hoa lá, nơi làm việc cũng phủ lá hoa. Tôi có gì để than phiền, chỉ biết chia xẻ chút ấm ớ của tôi. 

Nói đến chia xẻ, tôi lại mắc cở hay cảm thấy có tội khi mình đuợc may mắn hơn người khác, có lần Camel nhắc nhở chị cứ khoe ra hạnh phúc, làm người khác khó chịu. Tôi lần thần tính tóan, chia cộng cả cuộc đời tôi, thì tôi thấy ra rằng, hạnh phúc may mắn tôi đang có là do tôi chắt lọc giữ gìn những phần đau khổ và không may mắn tôi đã chịu đựng và tìm cách vuợt qua không giữ lại làm chi. 

Vậy bạn có đọc những chia xẻ này, mong bạn có vài phút bình an, như tôi đang có. 





No comments:

Post a Comment