Thursday, November 12, 2020

 

Yêu – Thích

(Tản mạn kỷ niệm 44 Năm Nhập Trường của Khóa 26 – Tháng 6, 2013 Orange County – California)

Tôi không dám khẳng định ngày mai bạn hay tôi sẽ trúng số, nhưng chắc chắn một điều trong tương lai tôi và bạn sẽ già . Câu đầu môi : Sinh Lão Bệnh Tử nghe như đùa mà có thật . Sinh : Mình không lựa chọn được – Lão Bệnh Tử cũng không thể từ chối .

Tôi thắc mắc giữa khoảng Sinh và Lão Bệnh Tử là cái gì, tại sao không thấy nhắc đến . Có phải trong khoảng đó,  tôi-bạn có quyền quyết định, có quyền chọn lựa để đến lúc Lão Bệnh Tử có những phận số khác nhau chăng! Người phải lăn lộn ăn năn luyện tội truớc khi chết trên giường bệnh, hay thanh thoả hồn xác rũ áo ra đi, lánh cõi trần này trong giấc ngủ nhẹ nhàng, không cần lo lắng chuyện kèn trống quan quách, chẳng cần thắc mắc: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa đời có mấy người đưa?

Cô bạn gởi thơ viết vài điều về tuơng lai sẽ thế nào khi về già, những đau tay đau cổ đau lưng, những mệt mỏi uể oải khi sáng phải thức đậy di làm, về đến nhà không còn sức đế càm ràm chồng con!  Nhớ ngày nào xông xáo dọn dẹp, nay cửa nhà có hơi bề bộn chút cũng chẳng sao, sức lực còn nữa đâu mà chinh đông dẹp bắc, dọn phòng khách dẹp phòng ngủ, chùi rửa phòng tắm phòng ăn,  cuối tuần chợ búa? Màn hình máy vi tính đợi chờ cô viết ba điều bốn chuyện, luyện tiếng Việt, ôn văn chương thi phú, ngón tay mệt mỏi, ý tuởng chẳng còn nhạy bén quên nhớ nhập nhằng. Đọc một đoạn văn, tìm một đoạn thơ, ngơ ngác hỏi sao thiên hạ còn yêu đời quá thế!

Tôi vội vã khuyên can vỗ về, tại không còn yêu đấy thôi, nếu bạn còn yêu, đời sẽ vẫn vui như cũ, “Sống mà không được yêu là chết mà biết thở!”  Thời thanh xuân, cần được yêu, thời xế bóng không cần được nữa mà phải chủ động yêu, YÊU cái gì, yêu ai, yêu thế nào là điều cần phải động tâm suy nghĩ. 

Vợ chồng ư, ba chữ Y – Ê – U đã thành N – H – Ẫ – N  thành T – H – Ư – Ơ – N – G

Con cái ư! Chúng chẳng cần gì mình nữa, đã có mái ấm riêng, đã có đời riêng, quý trọng mẹ cha lâu lâu ghé về ăn bữa cơm mẹ nấu, gọi điện thoại hỏi thăm vài câu đã làm mẹ xúc động bồi hồi.

Cháu nội ngoại ư, yêu chúng cho nhiều chỉ chuốc thêm phiền não, vì không thay đổi được đường lối dậy con của cha mẹ chúng.

Thế thì Yêu gì bây giờ? Tiếng Việt mình, chữ Yêu bao la quá, gì cũng Yêu, trong khi người Nhật và người Đại Hàn ít khi dám dùng chữ Yêu, họ chỉ dùng chữ Thích cho dù ngôn ngữ của họ cũng có chữ Yêu hẳn hoi. Dám kể ra thế này vì khi xem phim Nhật phim Đại Hàn có phụ đề Anh ngữ, chỉ thấy chữ Thích – Like. Tò mò hỏi bạn người Nhật, người Đại Hàn, họ giải thích chữ Yêu rất ít khi được dùng vì người ta để dành cho những tình cảm thiêng liêng sâu kín chân thành (!) thí dụ như: “Yêu người trong mộng còn lại trong ký ức, không đụng không vói không tìm lại được nữa!”  cách giải thích đơn giản nhưng dễ hiểu làm sao, thi sĩ Hồ Dzếnh để đời trong bài Ngập Ngừng: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Tình mất vui khi đã vẹn câu thề!” Một ý tưởng mới lạ vượt qua khỏi lễ giáo, chống lại định kiến yêu phải thủy chung son sắc từ khởi đầu đến kết thúc, nếu yêu mà không được sống gần nhau, không được lấy nhau chỉ có một con đường là ốm tương tư đến chết, không chết thì phải đi tu! Ai không tin, lục lọi trong tàng kinh các Google, các sách truyện thời nhà thơ Hồ Dzếnh sống sẽ thấy,  truyện tình yêu kết thúc trong bẽ bàng đau khổ vì cửa nhà không cao to bằng nhau, môn không đăng hộ không đối. Lý do khiến hai câu thơ được ghi chép từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ ông đến cha đến con, ai cũng giấu giếm trong tim hình bóng một người, vì tình đẹp, người đẹp khi tình dang dở!

Lan man từ già sang yêu, sang thích sang bí ẩn góc trái tim của quí ngài võ biền, vai rộng lưng cao người viết đang chứng minh một điều: “phụ nữ lắm chuyện!” ai hơn được phụ nữ về khía cạnh này nhỉ! Một câu nói một cử chỉ của người đối diện, đủ khiến phụ nữ diễn giải tâm lý nhân vật một cách khúc chiết, có lớp lang thứ tự như một thiên tiểu thuyết tràn đầy tâm tư tình cảm, dù sự thật “chẳng có gì sất” như lời xác nhận cương quyết của một nhân vật, đã được ghi vào thiên tình sử, thuở khăn gói nhập trường Võ Bị Đà Lạt 44 năm về trước.

Tình sử luôn có khía cạnh quyến rũ riêng tư của nó, càng ra vẻ bí mật càng khiến thiên hạ trầm trồ, hình bóng bí ẩn mơ hồ trường nữ Couvent Des Oiseaux, hình dạng hiển nhiên Bùi Thị Xuân, luôn được nhắc với giọng trầm xuống chút đỉnh, đôi mày cau cau, ánh mắt nhìn quanh xem cả bàn tiệc có chú ý đến người đang kể hay không, kéo đuôi mắt liếc nhanh sang người phụ nữ ngồi bên cạnh, người được đặt tên: “Thích Muôn Đời”  xem nét mặt nàng có biến sắc hay không, nếu nét mặt nàng không có gì thay đổi, chuyện bí ẩn tiếp tục được kể một cách say mê theo trình tự:

-        Trốn phố ra chợ gặp chị Chúc mượn tiền.

-        Dẫn lên Đồi Cù.

-        Đi ăn kem Tuổi Ngọc, uống cà phê Tùng .

-        Ngồi nhà Thủy Tạ.

 

Câu chuyện chỉ ngưng lại khi người được Thích Muôn Đời nhắc: “Anh kể thiếu đoạn nàng bỏ rơi anh, để theo ông quan ba có xe jeep đến đón!”  Xin phép viết thêm cho rõ ràng là: Thích Muôn Đời = Vợ = người phụ nữ lãnh nhận nhiệm vụ chăm sóc an ủi vỗ về, chịu thương chịu khó trong đời của chàng = người được gán cho đủ danh hiệu hoa mỹ sau lưng như: đấng bề trên, bà chủ, thủ trưởng, cấp chỉ huy, công an khu vực, bà chằn, sư tử Hà Đông v.v Có lẽ người Việt cũng không dùng chữ Yêu để nói với vợ hoặc chồng mình, nên được nói nhỏ vào tai: “Em là người anh thích muôn đời đã là một vinh hạnh.

Nhìn quanh bàn tiệc, những mái tóc muối nhiều hơn tiêu mặn chát , nên bia lạnh cứ thế mà hòa vào cho nhạt bớt tiếng xuýt xoa, khoe đau đây đau kia ra vẻ ta đây chẳng thua ai, bệnh mất ngủ, bệnh cao mỡ, cao máu, biến chứng này nọ của thuốc. Thay vì bầy cách theo cô này cô nọ, các ông bây giờ bầy nhau uống lá, lá đu đủ chữa ung thư, lá vú bò chữa tiểu đường, lá gừng chữa đau bụng, trộn quanh với bao kỷ niệm không thể nào quên những ngày còn là sinh viên sĩ quan Đà Lat.

Chẳng biết tại sao, mối tình bốn năm dưới mái trường Võ Bị Đà Lạt lại thâm sâu bền vững đến thế, có dang dở chi đâu chứ, yêu chi mà yêu lạ yêu lùng, chỉ cần nghe có chữ Võ Bị là đâu cũng đến, xa mấy cũng đi, khóa mấy không cần biết, nghe kêu là xỏ áo chạy.

Nhờ có internet mà  mưa đông gió tây, mây nam giông bắc ai ai cũng biết nơi hội ngộ để tụ về, dây nhợ nào giăng mà tin đi tin đến như mắc cưởi lụa đào, từ Việt Nam sang, từ Úc Châu đến, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có đến gần chục tiểu bang góp mặt.  44 năm, nếu không vì yêu tha thiết dễ gì còn nhớ tên nhớ họ, dễ gì mà ông lão hơn 60 trở lại mốc xuân thì, chẳng lụ khụ chống gậy “lậy cụ” lại mày tao mi tớ như xưa. Một tuần trước kéo thêm một tuần sau ngày hội chính, các ông cứ nắm níu lấy nhau như hình với bóng, như ái thiếp với quân vương, quên vợ quên con, quên cả cháu, tay xua: “Ai đi đâu cứ đi, để anh ngồi đây với các bác!”  

Tôi không đi mua sắm, không màng ghé các quầy hàng ăn uống trong khu Phước Lộc Thọ nổi danh khắp nơi tại khu Little Saigon, tôi nhất định theo chồng hóng chuyện dù có lúc bị xua đuổi, : “Đàn bà đi chỗ khác chơi!”  Có lẽ các anh sợ “chuyện xưa” bị lộ “về chết với bả!” Tôi phải giơ tay thề thốt, nghe tai này cho qua tai kia, không mách lẻo, không “buôn lê”  bán rẻ bạn của chồng, dù biết làm như thế là “đứng sai chiến tuyến.” Nhưng, chuyện đã qua trong quá khứ chỉ là chuyện kể không còn tồn tại, đống tro tàn khơi lại nhẹ nhàng có chút vấn vương ngơ ngác, như khói thuốc thơm “râu” thế thôi, có được “ký phép” cho các chàng tìm gặp lại cố nhân, gần trăm phần trăm đều trả lời: “Xin bà cho mai!” Bởi lẽ gặp lại, hình dáng xưa sẽ vỡ nát như gương, khuôn mặt kiêu sa như Hằng Nga, như Tây Thi, như Dương Quí Phi chắc chắn sẽ bị méo mó trong mắt chàng, nhất là sợ phải gởi tiền về Việt Nam tặng nàng đi gắn hàm răng giả! Có chàng còn biết nàng đang định cư tại một nơi rất gần tiểu bang mình ở, có cả số điện thoại riêng mà rồi tự động xé tờ giấy ghi số điện thoại đó đi không giữ nữa, vì nàng góa bụa còn đang nuôi con đi học, thăm hỏi xong rồi sẽ phải làm gì, cho dù có gặp giữa đường cũng đành “Liếc đưa nhau đi rồi đôi mắt có đuôi!”  Phan Khôi xa cách chỉ “hai mươi mấy năm xưa!” đằng này bốn mươi bốn năm xưa! Thả gió bay vù cho xong. Lý do tôi đã phớt lờ không kể thêm gì về nhân vật khẳng định “chẳng có gì sất” bốn mươi bốn năm trước ở đoạn trên!

Nhờ tính gan lì tướng quân ấy, tôi biết đôi điều rất đặc biệt về Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi chồng tôi đã hân hạnh được thụ huấn, được trui rèn thành người đàn ông gần như tuyệt vời của tôi, dùng chữ “gần như” vì tôi không muốn bị mang tiếng là tôn vinh chồng quá đáng, anh vẫn có bao nhiêu khuyết điểm vì làm kiếp con người, nếu toàn vẹn thì đã thành thánh nhân, mà thánh nhân thì không sống được trên trái đất này!     

Ngôi trường ấy, cách đây 44 năm, đã nhận gần hai trăm thanh niên trên khắp các vùng đất nước từ Quảng Trị cho đến Cà Mau, có người từ Lào, Thái, có người đã lê la bao năm đại học, có anh mới tò te vừa đậu bằng tú tài hai, có người từ thành thị phồn hoa, cũng không ít những chàng ở nhng nơi xa xôi nghèo khó vào Khóa 26. Họ đã giã từ tuổi hoa niên, lứa tuổi đẹp đẽ nhất của đời người, đến một nơi được gọi là "nơi quy tụ những chàng trai có lý tưởng quốc gia." Họ chọn binh nghiệp thay vì vào các đại học có “cây dài bóng mát” để “uống ly chanh đường uống môi em ngọt!”
Đà Lạt, vùng trời cao nguyên thơ mộng, cuối thập niên 60 là nơi dành cho người quyền quý giàu có lên nghỉ mát, không hiếm người sống cả đời chỉ mong một lần được ghé thăm Đà Lạt, chụp hình bên cạnh thác Cam Ly, bên cạnh gốc thông già, và được thấy người Thượng không mặc áo. Chuyện tình hồ Than Thở lại càng khiến Đà Lạt thêm huyễn hoặc, các cô thiếu nữ mê man đọc “Thung Lũng Tình Yêu” – “Mắt Tím” của Lệ Hằng để mơ màng trở thành cô thiếu nữ trong truyện, lên Đà Lạt nghỉ hè, gặp tình đầu lãng mạn.

Các chàng trai trẻ mái tóc bềnh bồng, chiếc áo sơ mi trắng vải điệu đàng, hăm hở xuống sân bay Liên Khương, bước qua cổng Nam Quan , nhập khóa 26 Trường Võ Bị Đà Lạt. Sau hồi kèn nhập trường, trở thành những tân khóa sinh, nhận quân trang quân dụng, cạo tóc 3 phân, được gặp các “hung thần” trong tám tuần lễ sơ khởi, đã khiến tất cả trở thành một khối đồng cam cộng khổ, biến họ từ anh  thư sinh ẻo lả thành người hùng hiên ngang, cơm và hơn chục bát, sữa hộp uống cả một lon,  đã được các chàng lưu giữ kỷ niệm đến mãi bây giờ.

Qua được giai đoạn đầu khó khăn ấy, các chàng trai tóc ngắn ba phân, dáng người khỏe mạnh trong bộ treillis màu lá cây được huấn luyện để trở thành một sĩ quan hiện dịch văn võ song toàn,  Họ phải trở nên những nhà lãnh đạo quân sự và hành chánh cho cả thời chiến lẫn thời bình. Họ phải học khổ sở cả ba chuyên ngành: khoa học thuần túy, khoa học ứng dụng, và nhân văn xã hội.  Khi Tân Thiếu Úy ra trường có văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng, tương đương với tất cả các trường đại học công lập trên toàn cõi Việt Nam. Khổ sở, nhưng các anh đã được hưởng ưu đãi hàng đầu của đất nước, tiện nghi vật chất không thiếu, “hung thần” của 8 tuần sơ khởi chính là những ông tiên, âm thầm chăm sóc “đàn em”, nhất là khi được ra phố với cầu vai mang alpha đỏ, bao nhiêu ánh mắt “em cao nguyên má đỏ môi hồng” chiêm ngưỡng.

Với lý tưởng đã có sẵn, kèm thêm món nợ quốc gia đặt trên vai, những người trai ưu tú ấy đã tự đặt cho mình một mục đích cao hơn ngày còn là dân chính, với áp lực ấy, họ xung phong vào các binh chủng mặt đối mặt với quân thù Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù.

Một trăm bảy mươi lăm sĩ quan khóa 26 đã không làm thất vọng sự mong đợi của Trường Mẹ. Một phần ba trong số các sĩ quan ấy đã hy sinh anh dũng trên chiến địa, họ ra đi khi còn quá trẻ. Ngày hội ngộ, hình ảnh của các anh được chiếu trên màn ảnh, làm bao giọt lệ lăn dài trên  má khi nghe xướng danh tưởng nhớ.

Vào mùa hè, mùa lễ nghỉ, các khóa thay nhau hội họp, nội dung giống nhau, tiền đại hội, đại hội với âm nhạc, khiêu vũ, tặng hoa “cám ơn hiền nội”, các ông tìm về kỷ niệm trẻ lại hơn hai mươi tuổi, các bà được theo chồng, nghe chuyện kể râm ran, cho dù câu chuyện năm này sang năm khác, lần họp này sang lần họp khác cũng vẫn cùng một nội dung. Nghe câu: “Xin ông cho mai!” lại phá lên cười, nhắc đến đánh bi da thắng mì gói, nhậu say bên khu gia binh, dẫn bạn gái ra vườn con thỏ, món nợ chưa trả chị Mai, bộ đồ “vía” bán ngay sau khi mãn khóa để trang trải nợ nần, người này biếng nhác lau nhà, kẻ nọ giả bộ đau chân để vào “phái đoàn thiện chí!”

Những mái đầu xanh giờ đã bạc, khán phòng râm ran cười nói, Trường Mẹ Võ Bị Đà Lạt có 31 người con, theo thời gian còn lại đâu đó 22 người (khóa) họa hoằn lắm mới nghe xướng danh các niên trưởng khóa 4, 5, 6, 7, 8, 9, con số sẽ bớt đi mỗi năm – tiểu gia đình cũng thế, theo thời gian con số hiện diện cũng vắng đi dần. Các niên trưởng tuổi già sức yếu, mối tình chung dù vẫn âm thầm mãnh liệt, cũng chỉ có thể gởi chút hiện kim đóng góp, đôi chân run, cánh tay yếu không sao đến được để họp mặt với nhân tình. Anh Tô “to” khóa 19 gặp em Tô “nhỏ” khóa 29 cách nhau mười năm tuổi, chẳng kể trẻ già, chén chú chén anh, hỏi thăm nhau ba điều bốn chuyện, hẹn hò nhau, đến hội lại lên.

Còn gì cho nhau nhỉ ngoài mối tình chung không thể xóa nhòa này, chữ Yêu diễn tả ở trên được dùng trong trường hợp này còn gì đúng hơn nữa không! Dòng máu trẻ trung luân lưu trong cơ thể được xem là đã lão trong ngày họp khóa, khiến đôi mắt các chàng sáng hơn, miệng cười tươi hơn, quên hết tất cả chỉ còn niềm hoan lạc: Anh em ta về - cùng nhau ta quây quần này . . .  tìm về tuổi trẻ. Lý tưởng ngày xưa nay thành liều thuốc bổ ngày nay.

“Sống mà không yêu, là chết mà biết thở!” Già rồi tìm đến các bạn đồng khóa để được yêu, các bà “Thích Muôn Đời” sẽ khuyến khích và hoàn toàn không ngăn cản mối tình này.

 

No comments:

Post a Comment