Măng
Măng nấu với chân giò, măng nấu với cá bông
lau, măng xào mắm ruốc, măng kho thịt ba rọi, măng làm chua. Cái mùi măng chua ai không quen khó chịu,
quen rồi thì tương tư, phải tìm ăn không thôi nhơ nhớ, măng chua quê mùa mà
duyên đằm thắm khó quên. Măng dễ ăn, dễ
kiếm, chẳng có tí ti gì chất bổ, chỉ tuyền là sơ với sơ, thế mà len lỏi cả vào
cung đình, qua món măng khô nấu với chân gà, cũng như thân tình với bao người
dân tay chân lấm láp bằng những món đơn sơ kể trên.
Mua được cái nồi ủ bằng hơi nóng, nấu thử cái
chân giò, tốn gần “hai con công” thật xứng đáng. Nồi có hai lớp, lấy lớp bên trong ra nấu như
thường, sau đó cho vào nồi to đậy nắp khóa kín, để đấy vài tiếng, mở ra nước
trong, thịt mềm ngọt ơi là ngọt, chắc chắn tiền gas sẽ xuống nếu dùng nồi này
để hầm xương nấu phở, nấu bún bò Huế. Có chân giò ngon, mua hũ măng chua, xả
nuớc cho bớt mùi hăng, luộc sơ vắt ráo, thả vào nồi chân giò, mêm nếm hẳn hoi,
rắc tí hành ngò thái nhuyễn lên mặt, thêm tí tiêu sọ xay, ăn với cơm nóng hay
bún là bồng bềnh ngay một quê xưa đã khuất.
Lại lẩn
thẩn từ món canh măng , nhớ bụi tre tàu, nhớ hàng lồ ô, nhớ nhà xưa cảnh cũ,
những hình ảnh đẹp dịu dàng trong trí tưởng thuở nghèo nàn, thuở chẳng biết
phải gọi là gì , nhưng cũng gom được bao hạnh phúc, để có thể viết kể lể, viết
kẻo quên đi mất. Viết cho các cô các cậu vừa lớn đọc để biết về măng được sinh
ra từ bụi tre, viết cho các ông các bà đã xa bụi tre giếng nước bùi ngùi tấc
dạ.
Thuở ấy sau 1975, thuở ấy tôi thôi thôi làm
thơ, tôi yên vui việc nhà. Việc nhà không đơn giản chút nào, thuở ấy! Cái thuở
bắt bớ lung tung, các ông các gia đình bị đóng dấu Ngụy không dễ thở chút nào,
về quê ở ẩn trốn tránh lý lịch trích ngang – “con gái ngụy – chồng ngụy!!!”
Trong xóm quê nhà nào cũng có hai thứ là giếng nước và bụi tre. Dòng nước từ đất cho con người nguồn sống và bụi
tre tàu như cái trụ nằm một góc vườn, thêm bờ tre lồ ô trồng quanh nhà che chở
cái cơ ngơi bốn bề trống rỗng. Mùa mưa những búp măng bụ bẫm nhú lên, chỉ cần
lấy cái leng hay cái thuổng xắn hai bên, là có một bữa ăn ngon sau ngày dài long
đong chợ sớm, mưa chiều.
Từ bụi tre tàu đến cái giếng nước non mười
thước , ngay khoảng giữa là nhà tắm, sàn chén, những loại rau khoái ẩm mọc rất
xum xuê, bụi lá dứa, có cả đám lá dong để gói bánh chưng. Nhìn chiều sâu thăm
thẳm, ẩm lạnh rêu và vài loại thực vật xinh xinh mọc chung quanh lòng giếng dễ tạo
nên cảm giác sờ sợ. Mùa mưa nước đầy không sợ lắm, nhưng mùa khô khoảng thăm
thẳm ấy, thăm thẳm hơn nhiều, tiếng vọng từ đáy giếng vang lên nghe ma quái sao
ấy. Sống ở nhà quê, khi ráng chiều chạng
vạng, cơm nước xong, nhà nhà lên đèn người ta nhắc nhở nhau đã đậy giếng chưa? Thành giếng chỉ cao hơn nền đất chừng vài tấc,
buổi tối không trăng người đi ra chợ khuya không thấy đường, rất dễ sa chân lọt giếng. Không biết người bị lọt xuống giếng có cảm
giác ra sao thế nào, nhưng ai hơi bị ngớ ngẩn, lẩn thẩn thường bị gọi là:
“người té giếng!”
Có một thuở tôi ở nhà quê, trong xóm người ta sinh sống bằng nghề bán rau. Một – hai giờ sáng người ta gọi nhau ơi ới,
đi bộ ra nhà ông chủ xe đò ngoài đường lộ, để mang rau lên chợ Sài Gòn bỏ mối,
người ta gọi chung tất cả chợ trong thành phố là chợ Sài Gòn, dù có người đến
chợ Ông Tạ, người ra chợ Cầu Muối, kẻ đến chợ Bình Tây. Mang được rau lên chợ
là người bán đã phải lo thu mua rau chung quanh thôn xóm từ chiều hôm trước,
những loại rau thơm , bắp chuối, trầu cau, bưởi bong, món gì trồng được trong
vườn đều đem bán được hết.
Đời sống bình dị, vợ đi bán, chồng ở nhà kéo
nước tưới rau, trông con mọn, tan chợ vợ về nhà, lại lùng sục đi mua hàng cho
buổi chợ ngày mai. Bình dị nên nhiều
điều bị dấu kín sau bụi tre buồn bã.
Một lần tôi đứng sững người, nhìn người ta kéo một chú bé mười tháng tuổi bị té
xuống giếng. Nhà của bé cách nhà của tôi không xa lắm, hai cô chị sáu tuổi, bảy
tuổi mải chơi banh đũa, cha thì đi thồ trầu cau ra chợ, có lẽ bé bò ra giếng
thấy bóng mình trong giếng nhảy xuống chơi chăng? Bé chết, thằng bé mũi dãi
lòng thòng bụng ỏng, có áo thì không có quần , tôi cứ nhớ nó ăn cơm chan xì dầu
ngon lành mà ước gì con mình cũng ăn ngoan như thế. Nó chết khiến tôi buồn lâu
lắm, nhất là mỗi tối má nó hay khóc kể tỉ tê. Nhà có bốn đứa con gái, vừa có
thằng con bụ bẫm lại mất một cách đau đớn như thế.
Có lần nửa đêm tiếng kêu gấp rút: “Dượng ba
ơi con tui nóng qúa, dượng chở giùm nó đi bệnh viện giúp tui dượng Ba ơi!"
Thằng bé ở ngay miếng đất đối diện, mỗi nhà
cách nhau xa lắm, một khoảng sân, một khoảng vườn nhưng ai cũng biết nhau, đi
đâu cũng chào hỏi thân tình . Tôi cứ áy náy thằng bé bị suyễn, nghẹt mũi ho
hoài, nói má nó cho con uống thuốc tây, bà không cho, cứ dùng thuốc tán của thầy
ba Cầu Bông đổ cho con uống. Thấy con
không khỏi, bà cạo gió giác lễ cho nó. Thằng bé ngày một xanh lả đi.
Chồng tôi về nhà lắc đầu , tôi biết không kịp nữa.
Có buổi sáng nghe hàng xóm lao xao , ông Tư Thủng
khuya qua nhậu xỉn, chưa về tới nhà đã chết queo bên bờ dậu . Nhậu rượu đế là
chuyện mỗi ngày , thanh niên ông già, cha con chú bác quây quần nhậu, đàn bà ra
chợ, đàn ông ở nhà buồn, nên bày bàn
nhậu chén chú chén anh. Say mềm họ rượt đánh nhau, người vợ tóc rối nhảy
đong đỏng xỉa xói ông chồng say, tay còn bế đứa con đỏ hỏn. Tôi không biết làm
gì trong những hoạt cảnh đầy màu sắc ấy .
Trong nhà sau khung cửa ọp ẹp là gia đình
bình an của tôi. Mùi vỏ bưởi khô đuổi muỗi cho con, dưới ánh đèn dầu cha con
dậy nhau đánh vần đọc sách, những con đom đóm bắt ngoài vườn cho vào cái hũ
chao đã rửa sạch, phát ra luồng ánh sáng xanh xanh bích ngọc, tôi chỉ cần nhặt
vài qủa dừa nhỏ rụng dưới gốc đã làm được mấy con búp bê tưởng tượng để kể
chuyện cho con gái tôi nghe. Những đêm nghe tiếng chõng tre của con kêu cót két,
sang mùng con thăm, thế nào cũng có đàn muỗi lọt vào trong đó, có con bụng căng
phình mọng máu.
Nỗi nhớ bụi tre tàu của tôi, phải có tất cả
những hình ảnh như trên mới hoàn hảo. Những đứa con của tôi đã quên bụi tre tàu
của mẹ, có khi tôi buồn buồn tự hỏi:
“Tại sao con có thể quên?"
Nhưng nếu nhớ những đoạn đời đau khổ khi xưa, có làm con trưởng thành hơn không?
Bụi tre tàu trong trí nhớ của tôi, luôn có
gío đưa xào xạc, làm tôi chẳng màng nghĩ đến gì khác cả, cái thời sau 1975 –
cái thời tiểu thư “rớt xuống đất” của tôi nó thế, đôi kính hồng thay bằng đôi
kính đen, che những giọt nước mắt cứ chực rơi xuống vì nhục.
Bây giờ quên dần những oan khiên – nhìn những
bụp măng tươi bán trên kệ rau còn tươi rói lông măng, chẳng biết người ta trồng
ở đâu, bên Mễ sang hay từ hòn đảo thần tiên Hawaii – nghe các bà dặn dò: “Đừng
mua măng đóng trong gói, Tàu gởi sang bán đó!”
No comments:
Post a Comment