Monday, November 5, 2012

Bướm Vàng Đậu Ngọn Mù U









Anh Tư đó ha anh Tư . Lâu dữ dậy hông , mấy chục năm rồi chớ ít sao ? Anh khoẻ ha , tóc bạc ráo rồi . Tui cũng thường . Anh dìa thấy sao , chòm xóm thay đổi hết rồi há . Năm Thung hư gan chết bỏ vợ con lại thương hết sức . Anh nhớ vợ của Năm Thung hông ? Con Ba Ngọc á . Mà anh vợ con gì chưa ? Chưa là sao ? Anh nói anh không quên được tui ? giả ngộ ha anh. Chuyện xưa lắc mà anh nói dậy thành tui mắc nợ anh sao chớ ? 

Muốn nghe chuyện đời tui hả anh Tư , trong tuồng Vương Thuý Kiều đoàn Dạ Lý Hương đóng , anh có nghe cô đào Bạch Tuyết ngâm nga : 

Thuở trời đất nổi cơn gío bụi 
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên 

không ? Tui chưa thấy đất trời nổi cơn gió bụi ra sao, mà cái cuộc đời tui ngẫm ra sao nhiều đoạn trường cay đắng . 

Tui dạo đầu dị đặng anh chuẩn bị tinh thần mà nghe , đừng để chuyện tui kể, động tới ba cái mạch máu mà mang họa nghen anh. 

Uống miếng trà ướp lài đi anh, bụi hoa lài, tui trồng bên mé hiên, ngay sàn nước. Dòm cái lu con rồng, tui nhớ hoài anh đem nó từ Bình Dương dìa chớ chơi sao , còn cái gáo dừa lên nước đen mum thiệt tốt . Anh nhớ hồi tui chặt hai trái dừa khô, nửa cho tui, nửa cho anh không ? Anh cạo anh mài cho sạch nhẵn ba cái râu rìa. Nửa của tui còn y nguyên đó, còn nửa của anh chắc mất tiêu rồi chớ gì ? Nhiều khi nắng chiều rọi vô rổ gạo tui đang vo, nước sóng sánh đẹp gì đâu . Tui nhớ hồi còn con gái, cũng tại ba cái lãng nhách ngược đời của tui mà thành chuyện chia lìa loan phụng . 

Ừa thì tui là loan, anh là phụng . Con phụng múa cánh khoe lông, vờn con loan e dè như đám cỏ mắc cở, hễ đụng nhẹ nó khép hết trọi hết trơn đám lá . Bị dị con Ba Ngọc nó phá tui hoài . 

Thời đó anh trẻ trung mạnh khoẻ, đám rạ anh đánh cái một, cây rơm anh vít cái ào. Con gái trong xóm, đứa nào đứa nấy dòm anh chết trân, mà anh lùi lũi đeo tui hoài . Anh đem nếp mới qua nhà cho má tui, đặng má biểu tui mần cốm dẹp , anh qua nhà phụ gánh lúa, tui xảy anh xàng, chiều dìa, má cho anh mang tui đi coi cải lương tuồng tích . Má tui thương anh biết mấy, bả nói anh hiền, ba anh đi tập kết mất biệt, má con anh bù lây bù lất , dậy mà anh hiếu để ngon lành . Ba tui thì theo vợ bé bỏ má con tui bơ vơ . Má tui để bụng, hận ổng bây nhiêu tui biết bấy nhiêu nghen anh . Nghe má tui ru riết con bà Sáu Lèo câu : 

“Bướm vàng đậu ngọn mù u 
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn” 

Rồi thêm câu 

“Gió đưa bụi chuối sau hè 
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ 
Con thơ tay ẵm tay bồng 
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông” 

Là tui hiểu má tui rầu trong bụng dữ lắm . Mà hên nhà tui có hai chị em, chớ có một đàn, má tui còn khổ tới nhiêu . Bị dậy mà tui nghi ngờ ráo hết , từ anh trở lui . Dĩ nhiên đối với tui hồi đó, anh cũng có hạng , cỡ hạng cao lắm lận, mà lỡ ngặt cái lòng hận của má tui , truyền qua tui hồi nào tui không hay, tui tính xa tính gần, tính tới tính lui, coi như chuyện chồng con là chuyện hại . Tui nhắm chuyện nhờ vả anh cho đỡ cực thân tui là chính, chớ ý tình với anh tui chặt dạ hỗng thương là hỗng thương mà . 

Tui nói ra hết đặng anh hiểu, tới giờ tui cũng hối hận bời rời nhiều nỗi lắm chớ . Phải chi hồi đó tui đừng ghim trong bụng nỗi hận truyền kiếp từ má tui, thì có chừng đời tui đâu đến nỗi trái ngang phải hôn anh Tư . 

Ăn miếng bánh đi anh Tư . Ăn ‘ngậm mà nghe đi hen’ , tui nhớ hồi đó anh ưa nói dị đó khi tui mời anh ăn bánh tui mần . Cái bánh da lợn này , muốn đổ khéo cũng theo lớp theo lang, chớ đâu có dễ . Y hì cuộc đời muốn suông sẻ cũng chần thân . Anh bỏ đi sau khi anh đánh tiếng xin cưới mà tui không chịu , anh đi cái ọt , không một lời từ giã, không thèm sân si coi tại sao tui không chiu nhận lời . Giờ tui lớn rồi, nên tui hiểu dạ tui , chớ hồi đó anh có hỏi , nậy răng tui chưa chắc ra nửa chữ . 

Con gái người ta mười sáu trăng tròn, biết gì chiện vợ chồng mà anh a thần phù đòi cưới . Tui thấy má tui khóc thầm hằng bữa , ra thở vô than cho thân phận bẽ bàng , bị chồng ruồng rẫy . Bả trù bả ẻo cho ba tui gặp hung nhiều hơn kiết . Tui nghe riết bắt tò mò muốn kiếm coi ba tui ra sao, đặng hỏi sao ổng nỡ lòng nào bỏ má con tui bơ vơ cầu bơ cầu bất . Ngay thời đó mà anh đòi cưới, tui biết anh có thiệt dạ thương tui không mà chịu chớ , nói thương lấy con người ta cho được, tới chừng phụ phàng, đặng đó quên đăng, đặng trăng quên đèn mấy nỗi . 

Mà tui thấy anh cũng ngộ chớ . Con Ba Ngọc nó theo anh tò tò , thêm con Huệ trắng, không tiếc tiền bao anh ăn uống ngoài sạp bà Năm , rồi một đám con gái khu nhà ông hội đồng , mắt tụi nó dòm anh có chừng không muốn chớp, mà anh cứ tà tà theo tui, theo con Hai Lụa nghèo hèn, da màu bánh ít, không trắng như bông buởi, không tươi tắn hớn hở như con chim quyên, không duyên dáng như con sáo sậu mà cái bản mặt ưa chầu bậu lì trân . Nhưng bà ngoại tui nói, tui có duyên ngầm . Mỗi khi tui cười hai cái lỗ dế, kế bên khoé miệng tui sâu hõm, rồi giọng tui nói ra ấm áp êm đềm, y như mang đường phèn đỏ vô lỗ tai người nghe, cái này là ông nội tui nói , mỗi khi tui qua nhà, xin ổng thóc lúa, bạc tiền . Con em tui qua xin, không bao giờ ỗng ừ cái rụp, mà tui qua nói chừng hai ba câu, ổng mát dạ cho tui xúc thí nhiêu thì xúc. 

Ba cái thư anh dúi vô thúng gạo, dùi vô cái nia cá khô, tui đọc ráo đó chớ , đọc đặng biết có người theo, có người tơ tưởng tới mình, có người khen tui giỏi, khen tui đẹp, khen tui lung tung, khen mái tóc tui dầy, khen con mắt tui bự, khen luôn cái tướng tui đằm thắm không biết điệu đàng . Đọc dị đặng tui đỏ hường đôi má, đặng tui mắc cở mỗi đêm . Cha ! nói tới đây mà tui còn nhớ cái hừng hực đôi má của tui ngheo anh Tư . Nó không giống cái nóng tui ngồi canh thùng bánh tét, canh nồi cháo heo , bị lửa phừng vô mặt mà nó nóng hơ mình ên dị đó . Tui nghe tiếng tỉ tê của con tim tui thổn thức chớ anh, nó cũng có nhớ tới anh thấy mẹ đó chớ phải không đâu . Sớm nào anh không qua, theo tui ra chợ huyện bán rau là tui bồn chồn chờ đợi . Một hai giờ sáng, con trăng có khi còn thức chong, sao mai chưa mọc mà lủi thủi qua nhà ông Ba xe đò, in hình hai cái chưn tui nặng chịch hỗng muốn bước , mà có anh gánh phụ hai cái gióng , bước tui đi nhẹ tưng như múa lăng ba . 

Thời đó tui nhớ hoài , má tui bả bịnh, giao chiện gánh gồng lại cho tui, anh nghe dị mở lời sẽ cùng đi dí tui cho có bạn . Sẵn anh đi giao gạo cho sạp luôn. Khoảng đó là khoảng thời gian làm cho anh muốn cưới tui hung đó chớ gì . Có lần tui vấp cái rễ tre chụp ếch, anh hết hồn kéo tui dậy , tui đau thấu ông trời, đâu hay tui lọt vô vòng tay anh che chở, chừng hoàn hồn tui nhớ mài mại anh có hun tóc tui. 

Uống miếng nước đi chớ, mắc chi ngó tui chết trân dậy ông , mèn ơi chuyện hồi nẵm á mà, xưa lắc , xưa lơ, kể lại nghe như chiện người ta à ha, cái rồi không cưới được tui, anh bỏ đi mất biệt , con Ba Ngọc lấy Năm Thung . Ngày nhóm họ tui qua nhà nó nguyên đêm , nó biểu tui ngu, được anh thương mà không lấy, gặp độc đắc mà không hay , năm đó tui cũng lên tuổi muời bảy rồi . Thấy nó bận áo cô dâu, tay cầm bó bông ngộ gì đâu . Tui cũng thấy tiếc tiếc . 

Sau đám cưới nó tui lên tỉnh , kiếm ra ông già tui , ổng có bà nhỏ đẹp hơn má tui, dân thành mà anh Tư . Bả dịu nhiểu xin lỗi tui, bả biểu bả không hay ba tui đã có vợ dưới quê. Thì ra mọi chuyện truân chuyên của đờn bà khởi đi là từ đờn ông , tui ngẫm dị cho tới giờ luôn đó anh Tư . Phải mà ba tui ổng : 

Trồng trầu phải khéo khai mương 
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng 

Thì đâu có chiện, đàng này ổng chăm chút một mương, mương kia ổng bỏ luống . Nói tới cũng phải nói lui, bà nhỏ cho ổng hai thằng con phương phi Tống Ngọc, còn phần má tui , có hai con lủng qúi giá gì mà ổng phải lo chớ . Tui hồi đó cũng hầm trong bụng, tính từ mặt ổng, mà rồi thương cho phận đờn bà của má hai tui , cũng bị ổng dụ ngọt dụ bùi, chớ khi khổng khi không ai mang thân đem cho thí . 

Rồi tui làm huề dí ổng , sao thì sao ổng cũng góp phần tạo ra cái hình hài tui mang tui vác, chớ mình ên má tui làm sao có tui . Mà ngộ , tui khó mà nói chiện được dí ổng, chào hỏi ba câu là tui dông chỗ khác, qua má hai tui , tui mới biết ổng cũng bị lương tâm cắn rứt dữ hồn chớ đâu có chơi . Ổng sợ mang tội dí má hai tui, chiện lường gạt ái tình đó anh Tư . Lường gạt đây là ổng không nói ra chuyện, đã từng có vợ cho má hai tui nghe . Đờn bà thì bị biết ra có còn trinh tiết hay không dễ òm, chớ đờn ông không nói ra , lấy gì đặng bắt tội nó chớ . Bị dị nên ổng tò tò bên bả, lo cung cúc phụng thờ, nhứt là hồi bả hạ sanh cho ổng thằng qúi tử . Rồi chiện mần ăn, chuyện lo toan sau trước, ổng có chút giờ nào mà trốn dìa coi má con tui sống chết ra sao, nhứt là ổng còn ỉ lại vô bà con nội ngoại ê hề , bà con chòm xóm chung quanh , hông lẽ bỏ vợ con ổng chết đói . Nghĩ lại cũng ngặt cho ổng . Hồi cưới má tui ổng có ý cò ý kiến gì đâu chớ , ông nội tui mang khay trầu qua nhà ông ngoại, hai ông cụng ly cái cụp, ông ngoại tui biểu : “ tui gả con gái tui cho con trai anh”, rồi xong, ông già tui có vợ . Có vợ tức là phải có con, má tui ôm cái bụng thè lè, ngay sau ngày cưới đâu chừng một tháng . Bị mau mắn như dậy mà má tui khổ, còn tui thì bị bà ngoại tui chưởi hoài cái chiện ưa tà lanh tà lọt . . 

Má hai tui cũng biết điều lắm hen, hồi biết rõ trắng đen, bả sắm đủ thứ mang dìa quê ra mắt má tui. Xấp lụa màu đồng có hình lồng đèn chữ thọ, đặng may áo bà ba, thêm xấp sateng đen bóng lưỡng, đặng may quần. Cái khăn san thiệt mỏng màu khói nhang mần bên xứ Phú Lang Sa , thêm đôi guốc vẽ hình hai con chim bằng sơn, đóng đôi quai da thiệt đẹp cho đủ bộ com-lê . Tui còn nhớ bả dắt tui dô tiệm Chà Và mua cái quạt xếp , khi xài nó có mùi trầm thiệt nhẹ. Nhiêu đó đủ làm má tui mát dạ tha thứ cho bả sau lần đầu gặp mặt . Dù má tui cũng thả nhẹ mấy câu chì bấc : 

-“ Sao không giữ giả luôn đi , cô mặt hoa da phấn, tui mặt đất da mồi , cô người học cao biết rộng, tui con cóc trong hang, cô dìa đây gặp tui chi cho tui thêm tủi chớ “ . 

Má hai tui sụt sùi : 

-“Chị Hai thương cho tui mà đừng nói dị, tội nghiệp tui chị Hai . Chuyện dĩ lỡ như vầy có ai mà muốn chớ . Hồi đó tui cũng cãi cha cãi mẹ, một hai đòi lấy ổng , tới giờ ba má tui mà biết có chị đây , chắc ổng bả đập trên đầu tui ổng bả đập xuống , cái tội tui kén tới chọn lui, nhè ngay cái bóng đèn bể lấy mà .” 

Dòm hai người đờn bà, nói chiện dìa một người đờn ông họ cùng chia xẻ, tui cũng thấy ứ hự cho phận đờn bà . Nội tính cái dụ ổng hun bà này, không hun bà kia tui cũng đà nổi ốc, kể tới chiện phòng the kín đáo, bà này hai lần nằm lửa, bà kia cũng hai thuở cưu mang toàn thân tui nổi hột da gà . Hồi đó tui nghĩ thầm trong bụng, tui mà dính dô chiện chồng chung, chắc thiên hạ bàng hoàng, giùm cho cái người đờn ông phụ rẫy tui, chớ hỗng chơi nghen anh Tư . 

Mà cái rồi tui dính thiệt . Tui tròm trèm mười tám , sống trên thành, được má hai tui dậy dỗ điểm trang, cho đi học tiếp chương trình trung học, kèm dí ba món nấu nướng vá may , tui nõn nường ra dáng con nhà biết mấy . Ba cái đám dưới quê tui cho xếp de ráo, mấy anh trên thành bảnh bao công tử hơn . Nội cái đầu chải bóng luỡng, tướng tá ngon lành quần tây áo phin , là ăn đứt đám miệt vườn, quần tà lỏn áo bà ba, phì phèo thuốc vấn hôi rình hôi rẹt . Tui gặp giả lãng nhách lãng nhơ, hồi đi mần căn cước , thấy giả bận đồ ông cò ngon lành, cầm máy chụp hình tui , mỗi người đặng chụp một tấm chứ mấy, mà tới tui, chả biểu máy chụp hư , vô chụp lại , tới ba lần mới rồi . Sau chả tới nhà đưa tui cái tấm căn cước, có hình tui thiệt đẹp làm thân . Nhờ làm trong toà tỉnh , oai phong, ba tui khoái ổng, má hai của tui cũng bị cái mã của chả hớp hồn , muốn chả làm rể cho có tiếng có tăm với người ta . Tui cũng bị cái đẹp trai làm mờ con mắt, quên mẹ nó chuyện hận thù đờn ông giả trá của má tui truyền lại , mà đánh đòng xa theo chả ngọt ơ . Má tui hồi gặp chả bỏ nhỏ tai tui : 

“Củi tre dễ nấu chồng xấu dễ xài nghen bay, thằng này tao thấy mắt nó trai lơ coi chừng khổ à con” . 

Chèn ơi tui khổ thiệt , khổ vì ghen , khổ vì thằng chả nay đào mai mận, nay con miệt quận tám, mốt con miệt quận năm . Chưa tính khuya thứ sáu chả đưa con đào đoàn hát đi ăn cháo cá , mờ sáng thứ bảy chả đưa con cave đi ăn chợ Cũ cao lầu . Nội cái tui theo chả đánh ghen , đập lộn cũng ứ hự tấm thân . Tui xỉa xói chả nhiêu mà nói , mấy con đó có gì hơn tui, dòm tụi nó trên sân khấu, bóng đêm che chở thấy rực rỡ hoa màu, chớ dưới ánh sáng mặt trời, mét chằng mét chẹt, ốm nhách như con tép phơi khô . Anh hỏi sao tui ghen ha , ghen là tại vầy nè , nội cái chuyện bỏ tui chèo queo ở nhà đi xãnh xẹ với gái là một tội, tội thứ hai hễ theo con khác nghĩa là tui xấu tui già, chưa kể túi tiền của giả bị hao bị hụt . Anh đừng cười khi dễ chớ . Đàn bà không ghen là đàn bà thua thiệt nghen , hễ tui cũng đưa cũng đẩy với thằng này thằng nọ anh tính sao ? Mấy anh có chịu hôn, mà mấy anh la làng trai thì thê thiếp hỗng sao , mà hễ đờn bà mới dòm thằng cha xe kéo cái bị táng bạt tai chớ . 

Mới kể thôi nghen mà tui đã sân si dị đó anh thấy hôn . Tui ghen tui dữ có lý do chánh đáng chớ , một tay tui lo trong ngoài tươm tất , hạt bụi cũng khó đậu lâu trên cái tủ thờ, thêm cái tủ chén dĩa kiểu, tui sắp xếp đẹp mắt biết nhiêu, những món tui bầy tui nấu cho chồng con ăn, tìm ngòai cao lâu đâu mà ra anh . Má hai tui mỗi lần tới thăm đều khen rối rít dí má tui: “Cỏn coi dị mà khéo hen chị” . Hồi xuất giá theo chồng xong , ra đường mắt mũi tui nhắm kín mít, không dòm ngang dòm dọc, chưa kể cái não tui gôm sạch ráo chuyện hồi xưa, có mấy thằng đi theo ngắm nghía. Nói anh đừng buồn chớ, bóng hình anh tui cũng nạo sạch ráo, nạo ráo như tui nạo trái dừa khô, không còn miếng cơm nào dính lai. Anh nghĩ đi, tui mà lưu luyến anh có phải tui mang tội ngoại tình hông . Tui trong ngọc trắng ngà tui có quyền ghen chớ , chả trăng hoa mà báo cho tui nghe, tui cho phép liền , tui không tức, đàng này lén lén lút lút , nói xạo nói trây, tui phải dằn cho chả biết mặt chớ . 

Anh khoan cãi dùm giả, rồi một bữa, giả đi luôn, không để lại một chữ từ biệt, như trong tuồng tích, đặng có hồi kết cuộc . Mới đầu tui nghĩ vài bữa sẽ tái hồi Kim Trọng, ai dè mấy tháng lờ lững trôi, sang qua mấy năm bặt chim tăm cá , tui biết rồi rồi, con sáo xổ lồng bay xa , bay tít tè không muốn quay đầu dòm lợi mà . Mới đầu tui bịch, tui che, tui dấu tui diếm, tui kiếm chiện đẩy đưa cho qua dí bà con lối xóm, sau chịu đời không thấu, nói láo riết bắt mệt, tui bán nhà dìa lại nhà này nè , tui mà không dìa quê, anh tìm sao mà ra tui chớ . 

Anh nói sao ? Còn ai nữa hôn ha ? Chèn ơi, tui khôn như con chim bị ná, thấy cành cong sợ tới xù lông , tởn tới giờ anh tính coi tui còn cho ai xía dô đời tui làm chi nữa chớ . Tui dìa quê, trong túi dằn mớ bạc bán nhà cửa, bộ tràng kỷ, đám chén dĩa kiểu, cái xe đạp cua rơ của giả, bọc thêm mớ đồ tế nhuyễn vàng vòng, tui gom góp từ hồi tui gả cho chả , tui thành con mẹ nhà giàu trong đám dân lùi xùi, bữa no bữa đói ở đây đó nghen anh Tư. Tui sửa sang nhà cửa cho má tui hưởng già, tui mở sạp bán chạp phô ngoài chợ huyện, tui cho vay lấy lời, tui gầy hụi ăn huê hồng, nói chung dìa đường bạc tiền tui gặp kiết nhiều hơn hung, má tui bả biểu, nhờ tui có cái cánh mũi, hình dạng y hì cái túi đựng mật của đám ong bầu . Đường duyên tình tui lận đận tại cái sóng mũi của tui thấp chủn hỗng cao sọc như cái dọc dừa. 

Anh nói ngộ hôn, lấy chồng nửa đường đứt gánh, chưa đủ đoạn trường cay đắng ha anh . Anh biểu tui lấy tuồng tích dẫn chuyện đời tui không đúng ha, cô Thí Kiều lận đận từ thằng này qua thằng khác, tui có một thằng mà lận đận chi ha ? Chèn ơi , một thằng mà lo không xong , để nó chạy mất biệt như dậy là tui thua đậm, thua hơn má tui hồi nẵm chớ . Má tui có hai đứa con , tui có một đứa một là hết . Ông già tui bỏ đi còn tìm ra tung ra tích, ông chồng tui ra đi biền biệt sơn hà mà. Bị chồng bỏ, ruột tui đứt đoạn khúc khúc chớ chơi ha . Chưa kể tim gan tui, đổi sang màu tím ráo trọi, tui giận qúa mà, tui tức qúa mà, có ai cho tui xả chớ . Con gái tui mỹ miều đẹp đẽ, tui không muốn học cách má tui, chưởi rủa sau lưng người khuất mặt, quất ngựa truy phong, nên tui đành nuốt ngược vô trong, anh biết dị hôn ? Ngoài miệng tui ngọt ngào kể lể, cho con tui hay dìa cha của nó, nào là cha nó áo mão khương phi, nào là hiền lành nho nhã, nào là thương con thương vợ nhứt trong thế giới loài người, có bao nhiêu điều tốt đẹp dìa đờn ông, tui tặng ráo cho con tui, đặng trong tim nó bình thường, mơi mốt lớn, khi biết yêu, nó không mang mối thù truyền kiếp làm hành trang dung dủi chốn tình trường, như tui . Tui học từ tui đây nè , tui mang trong lòng nỗi nghi ngờ to lớn, tui thủ tui cung , tui hằn tui học, tui chưa vui chuyện xum vầy, tui đã tính tới hồi bị lừa gạt, nên tui khổ, tui buồn , tui tạo nghiệp tui mang, tui quàng luôn vô vai người khác . Người khác là anh trước tiên, kế là ông chồng phụ bạc tui , thành ra ai cũng thành con trâu ì ạch mang cái cầy ứ hự. 

Hồi con tui nó hỏi : “ba đâu má” tui ngọt hơn đường cát, mát hơn đường phèn mà trả lời dí nó dầy nè : “Ba con đang đi mần, trúng gío té đùng xuống đất, dẫy dụa như con gà mắc toi , rồi tắt thở chết ngắt” . Nó lớn chút hỏi tui : “sao ba của bạn con chết nhà nó có để bàn thờ” tui trả lời lạnh tanh : “Tại má muốn coi như ổng còn sống dí con” .Hồi tui nói câu đó hai hàm răng tui nghiến xít rịt muốn bể . 

Bị chồng bỏ không lời từ biệt, tui có thời gian ngẫm ra dầy, tại tui thương thân tui nhiều quá, tui bảo vệ phần tui nhiều qúa . Tui nấu nướng cho ngon cho ngọt, cho đẹp cho bùi, cũng là để phần tui, tui khoe hay khoe giỏi, chớ chồng tui hưởng có nhiêu đâu ? Ngồi ở bàn cơm, tui không càm ràm chiện này, cũng rầy rà chuyện khác, tui quên mẹ nó tay gắp miệng mời : “Anh ăn coi vừa miệng hôn” rồi chớp mắt đưa mày, làm duyên làm dáng, cho chồng tui vui sướng, sau ngày mần việc mệt mỏi. Nhà cửa tui chưng tui dọn gọn gàng đẹp đẽ, cho bàn dân thiên hạ khen tui ngăn nắp gọn gàng, chớ chồng tui có được hưởng chi đâu ? Dìa tới ngay cửa tui đã dòm chả từ đầu đến móng, coi có cọng tóc con đĩ ngựa nào không ? Dòm lom lom từ áo tới quần coi nếp nhăn có gãy hông , lo ba thứ ruồi bu dị, giờ nào tui đưa tui đẩy, tui ngọt tui ngào, tui hun tui hít đón chồng chớ . Chưa kể điêm dìa, tui lo tra lo khảo, coi chả có tò tí với ai ngoài tui hông , tui lo rờ lo nắn, lo ngưởi lo dòm coi có tì có vết, có mùi chi lạ, có dấu chi kỳ, đáng nghi đáng sợ không , ba cái chiện này làm chả chán tui tới cần cổ là phải, chưa kể ba cái chuyện, làm xấu mặt chồng ngoài hàng, ngoài qúan . 

Ghen tương làm mặt mày tui thay đổi, thay vì tươi rói, nó quạu đeo, thay vì sáng trưng, nó xám nghoét . Áo quần tui bận có mượt mà , cũng không cân được lằn ngang lằn dọc tui nhăn tui nhíu. Tui tưởng tui đẹp hơn mấy cô đào hát, mà thiệt ra tui xấu như chằng , như Chung Vô Diệm mắc đoạ tiên sa . Thì tui cũng mắc đoạ ghen tương mà, cởi bỏ đoạ, Chung Vô Diệm đẹp hơn tiên nga tái thế . Tui cởi bỏ tật ghen, tánh hận, chăm chú lo cho con, quên chiện phiền hà phu quân phụ rẫy, cái bản mặt tui hây hây trở lợi . Nói không phải khen mình ên chớ, mấy bà chơi hụi dí tui, cùng niên kỉ mà coi già háp . Tui bắt bịnh được liền, già là tại hằn học, ngúc ngắc dí chồng, chớ lẳng lơ yêu chiều, tôn kính ổng coi, muốn gì hỗng được, đờn ông mà, cho ăn ngọt, tọt tới xương sườn, xương sống , bày đặt lên chơn, mấy ổng phản thùng là ôm phòng trống co ro . Biết hối, ôi thôi! cũng muộn màng rồi . Khi chồng cưng, bông mù u, quần sateng ổng tặng hà rầm, son môi má hường ổng mua cho, hỗng còn chỗ mà để, chưa kể ổng nựng má, ôm vai khen thôi là khen : “Má mày lúc nào cũng đẹp” . Ai da tui tưởng tượng dị mà cũng đà thấy màu hạnh phúc vương trong khoé mắt . 

Tui nói tá lả , kể tràng giang, rồi chiện anh ra sao , anh ngồi gật nhịp dậy sao anh Tư . 

-“Cô Hai à , tui bỏ quê ra tỉnh, xung vô lính . Mang hình bóng cô trong đầu, trong óc, trong tim . Tui đi cho quên cô, mà tui nhớ thêm cô à . Hồi dìa thăm, nghe Ba Ngọc nói cô ra tỉnh, lấy chồng sang trọng, tui mừng cho cô nhiều lắm . Vận mệnh tui cũng không suông sẻ, quên cô không xong, gặp ai tui cũng lừng chừng, má tui bả cũng rầu dữ lắm . Hồi bả nhắm mắt, còn để lại một câu : ‘Ráng kiếm ai giống con Hai mà lấy nghen con.’ Tui kiếm đâu ra ai giống cô bây giờ cô Hai . Hồi cô gả con gái, tui cũng có hay mà không dám dìa thăm, sợ cô không dòm mặt . Tui hỏi thăm Ba Ngọc mỗi ngày đó chớ . Hồi đám ma Hai Thung tui đứng dưới rặng ô môi , thấy cô dìu Ba Ngọc mà tui đâu dám ra mặt . Rồi tui nghe Ba Ngọc nói, cô mời tui ghé nhà chơi, tui mừng qúa ghé liền đây nè . Cái gáo dừa cô Hai nhắc đó, tui giữ nguyên chang .Má tui xài nó hồi tui xa xóm, giờ tui tiếp tục xài nó đặng múc nước nấu cơm . Hễ cô có đòi thì tui mang trả , mà trả lại cho cô rồi, tui biết lấy chi múc nước nấu cơm. 

Chuyện đời tui có nhiêu đó đó, cô muốn đoạn kết nó ra sao, cô cứ tiếp vô ha cô Hai” . 

Thursday, November 1, 2012

Tháng 2 - 2006

Hôm nay Mồng Ba Tết Bính Tuất 2006. N Đ có chút giờ để thu nhỏ hình và mang lên cho các bạn ngắm Tết San Jose. 

Đêm giao thừa uốn nhánh mai làm vỡ cái bình cắm hoa, sáng mồng một Tết mang máy hình đi chụp diễn hành xong, vào hội chợ làm rớt cái máy . Thế là hết, cái máy chụp hình theo N Đ như hình bóng 6 năm trời , đi đâu cũng có nhau, ngay cả vào trong bếp. 

Người cuối cùng cầm máy và chụp cái hình cuối là T. Trước khi chụp T cằn nhằn :"cái máy này T đã bỏ và thay 4 cái khác rồi mà chị vẫn giữ nó sao?".

Có lẽ cái máy tủi thân nên "tự rớt" cũng nên. 

Học chữ Nhẫn cùng đào mai, hái từ vườn mang vào nhà. 










Chiều Lên Tu Viện Kim Sơn

Đường lên tu viện quanh co núi
Cao vút ngàn thông đẹp dặm trường
Chuông đổ xa đưa xen kẽ lá
Núi rừng xanh ngát thoảng thơm hương.
Cổng chùa ba chữ Kim Sơn Tự
Núp dưới tàng cây bên vệ đường
Lối rộng vào chùa đất đá mới
Hai pho tượng lớn trắng phơi sương.
Khuôn viên đẹp nhất đây và đó
Một dãy nhà tăng với giảng đường
Lầu gạch hai tầng tu viện chính
Mặt tiền sân rộng, kiểu tây phương
Điện thờ chư Phật công trình lớn...
Hiện hữu chừ đây khiêm nguyện đường
Cây gỗ từ rừng nguyên liệu chính
Đan thanh tân tạo chốn thiền môn.
Phật Bà tịnh tọa trong hang đá
Bên dưới đồi thông trước nguyện đường
Mấy chục quẻ xăm, xăm được giải
Xin Bà hộ mệnh, giải tơ vương!
...
Nguyện cầu Tam Bảo, mười phương Phật
Phù hộ dân Nam hạnh phú cường
Trương Như Quốc Lân

7

Tết Bính Tuất đã thật sự qua Chủ Nhật vừa rồi, ngày mồng 7 Tết. Ngày hạ nêu , ngày trở lại với sinh họat bình thường.

Thật ra không khí Tết đối với những người tha phương chỉ tồn tại trong lòng, trong trí nhớ, nhất là khi tìm đến những hội chợ, những buổi tiệc Tất Niên Tân Niên để gặp được nhau. Một khối người nói chung ngôn ngữ, chào hỏi, chúc tụng và nhận ra mỗi năm trôi qua nét mệt mỏi rõ ràng hơn trên khoé mắt.

Những người bao năm miệt mài tổ chức hội Tết, nhìn số lượng người đến du Xuân không khỏi ngậm ngùi , tự hỏi hội Xuân còn tồn tại mãi không, khi người Việt bây giờ đã được trở về thăm quê xưa làng cũ, không như lúc trước chỉ là nhớ nhung vọng tưởng.

Hữu duyên tôi được đi cùng bạn lên thăm tu viện Kim Sơn. Bạn ngại ngần tôi không cùng tôn giáo. Nhưng khi cùng tôi đi viếng Chánh Điện bạn mới hay, tôi quen thuộc với nhang nến đến độ nào. Với tôi Đấng chí tôn là một , chỉ có hình thức là khác nhau đấy thôi.

Nhìn phong cảnh hùng vĩ tuyệt đẹp một ngày nắng ấm, hít không khí trong làng trên đỉnh núi , tự mình đánh lên tiếng chuông để trong thinh không bát ngát ngân dài âm vang trầm thống. Cõi lòng chùng dù môi miệng luôn liếng thoắng nói cười.

Bạn nói không hiểu sao một người lúng liếng như tôi có thể viết những câu nhẹ nhàng nhu thuận, bạn có lẽ chưa thấy hết lòng tôi đấy thôi.

Ngắm những khối đá được tạc thành tượng Phật Bồ Tát - Quán Thế Âm - tôi ngẫm nghĩ Ngài vui hay Ngài buồn khi con người tạc hình ngài trong đá. Tôi nghe như Ngài nói :"Tạc hình ta trong tâm con " khi nhìn thăm thẳm qua rặng dương mịt mù biển cả xa tít tắp.
Những người bạn khi chia nhau niềm tin tôn giáo, là khi đến với nhau thật gần. Tôi đến với bạn đơn sơ hơn bạn tưởng, chỉ thở chung cùng bầu trời đã quí báu biết bao.

Những nhánh đào đơm nụ, những công trình xây cất dang dở chưa xong. Tôi thích một mái nhà ấm cúng để chia xẻ công phu tu tâm dưỡng tính hơn là một kiến trúc tuyệt vời to tát , làm tâm dễ bị động vì bàn tay con người thách thức thiên nhiên.

Không hiểu sao tôi cứ vẩn vơ như thế. Cám ơn bạn đã cho tôi một ngày hạ nêu đáng nhớ. Tờ xâm Cô cho tôi tuyệt đẹp như ý tôi xin , làm bạn phải cười vì tôi khấn nguyện lạ quá. Tôi khấn xin thật lòng , Trời nghe được tiếng lòng tôi, huống chi là bạn phải không.
Tôi nhẩm xin nhiều điều lắm , một trong những điều tôi xin là cho bạn và gia đình mọi điều an thỏa.
Đời bạn thanh thản như rừng cây xanh ngắt trên đường mình cùng đi với nhau.

Dáng bạn một mình rảo bước, cầu mong trong lòng bạn không đơn độc như chiếc bóng ngả dưới chân.

Cám ơn duyên may , cho tôi một ngày đẹp để ghi lại trong ký ức.

11


Mỗi lần Tết đến, mùng Một Tết là ngày chúng tôi đi thăm mộ ba mẹ tôi, một điều không thể thiếu.

Mẹ tôi mất trước nên thông lệ hàng năm là bố con tôi đến thăm mộ mẹ ngày mồng một, truớc khi đi lễ đầu năm, đi chúc Tết bà tôi, rồi đến nhà bác Cả.

Khi Bố tôi đi cải tạo, năm đầu tiên không có ông và vài năm tiếp theo sau đó, chị em chúng tôi cũng theo đúng thông lệ ấy, ngày đầu năm là của mẹ, không còn bà, không còn bác để đến chúc tuổi như xưa, về nhà im ắng cùng nhau buồn hơn, hoang mang hơn và đau đớn hơn. Vài năm sau đó tôi đã tìm ra bố, mang ông về bên Mẹ.

Rồi tôi lại phải mang ba mẹ tôi đến một chỗ khác xa trung tâm Sài Gòn hơn theo qui định. Chuẩn bị sẵn một phần đất mới cho bố mẹ tôi ở Bình Hưng Hòa, yên trí ngày cải táng mẹ giống như lần cải táng Bố, chỉ còn lại cốt , chúng tôi đào huyệt vừa đủ cho hai cái kim tĩnh.

Ngày cải mộ, gia đình họ hàng không ngờ đuợc mộ của me tôi đã kết lại. Nghĩa là Me tôi nằm đó như ngủ, không hề suy xuyển chút nào dù đã ở trong lòng đất hơn 11 năm. Lúc ấy tôi nghe có tiếng xì xào phải làm vài điều chi đó để chỉ lấy phần cốt . Tôi quyết định ngay, không làm gì hết chỉ đặt mẹ vào áo quan mới lần nữa và chuyển sang huyệt mới.

Tôi và anh vội vã chạy đi mua áo mới cho mẹ trong khi các bác các anh các chị ra huyệt mới người một tay khơi cho rộng thêm lòng huyệt.

Bây giờ khi viết những điều này có vẻ dễ dàng quá, nhưng khi ấy là cả một sự khó khăn không sao kể xiết. Những nghĩa trang trong thành phố phải dời đi, mua áo quan phải có giấy tờ cho phép, người sống không đủ ăn, lo toan thêm cho người đã khuất, miếng đất ở BHH lúc ấy tôi may mắn tìm đuợc vì cha chánh xứ cùng làng với bà nội tôi, các gia đình bác họ tôi sống trong xứ đạo ấy. Tôi ngồi sau xe anh chở mắt không thấy gì hết ngòai hình dáng mẹ đang nằm đợi tôi dưới làn nắng nhạt hanh hanh. Họ hàng tản đi vì ai cũng ngại nhìn mẹ lúc ấy, dù với chị em tôi mẹ vẫn đẹp dịu dàng, hai bàn tay xếp trên ngực gân máu vẫn hồng, da mẹ trong suốt. Quần áo mặc cho mẹ khi liệm năm 72 vẫn y nguyên như cũ , mùi đất nồng chung quanh xộc lên mũi hay sự tiếc thương nghẹn ngực làm tôi và các em có cùng một cảm giác bị ngộp giống nhau, cho đến khi òa lên khóc được. Tôi mang cảm giác nặng nề ấy để chu tòan mọi việc cho Bố Mẹ. Tôi tạ ơn người chủ trại hòm, khi nghe tình huống đã bán ngay cho tôi áo mới cho mẹ không cần giấy tờ xuất nhập chi hết, ông tài xế xe lam vô tình tôi gặp trên đuờng, đã nói cùng các hành khách đang ngồi trên xe , xuống đón xe khác, để ông có xe trống mà chở Mẹ tôi. Lúc ấy hồn xác tôi không hiện diện, tôi không nhớ có nói lời tạ ơn đúng nghĩa đến họ chưa. Sự việc xảy ra nhanh hơn tôi tưởng.

Khi ấy nghĩa trang BHH chỉ có một nấm mộ đôi đặc biệt này. Đến thăm mộ bố mẹ tôi, chỉ cần hỏi ngôi mộ đôi là ai cũng biết. Có nhiều bạn của bố tôi sau khi được thả đến viếng mộ chỉ hỏi ngôi mộ đôi là tìm ra ngay.

Sáng nay tôi nhận đuợc điện thư từ VN cùng những tấm hình cô em gái tôi gởi sang. Những lời em chúc, cùng câu :"Sáng mùng một em đi thăm bố mẹ..."
bao nỗi nhớ trong tôi òa vỡ. Tết của tôi luôn có nỗi nhớ day dứt này. Nén huơng tôi và anh thắp trên bàn thờ, ánh nến điện lung linh, nhánh tắc bố tôi thích, cành cúc mẹ tôi yêu, tôi tìm mãi nhành mai cho bố vẫn chưa tìm ra trên xứ người khí hậu lạnh lẽo.

Cứ tưởng rồi quên đi nhưng một khắc giây nào đó nó bỗng bung ra thổn thức như lúc này.

15

Hơn mười năm tôi đi lại trên con đường đến chỗ tôi làm , như con ong chăm chỉ bay đi hút mật . Con đường như một phần đời sống của tôi, có khi nhộn nhịp, có lúc lặng yên, khi vui khi buồn khi day dứt. 

Con đuờng không dài lắm. Tôi nhớ lần đầu tôi biết , nó lặng lẽ hơn bây giờ, cũ kỹ hơn, nhẹ nhàng hơn vì nó chưa đuợc nhiều người biết đến. Anh chở tôi đi một vòng ngắm nó ban đêm, khi lũ cột đèn tỏa ánh vàng nhạt soi khắp con đường. Tòa nhà thị chính của thành phố, khi ấy nhỏ nhắn bình thuờng, sau khi đuợc chỉnh trang gần 40 triệu đồng nay đã thành cái bóng thật to che hẳn một khỏang đồi xanh ngắt phía sau lưng nó. 

Tôi vẫn giữ dáng nhỏ nhắn màu trắng đơn sơ của tòa thị chính xưa khi tôi đi ngang qua đó. Có đôi khi ánh nắng phản chiếu vào những cánh cửa sổ guơng xanh, hắt vào mắt buổi trưa, khi tôi lái xe về nhà ăn trưa lay tôi :"nhìn nè bây giờ tôi đẹp như thế này, bề thế như thế này, đừng giữ hình ảnh tôi ngày xưa nữa". Nên có lần tôi đứng hẳn lại, ngắm tòa thị chính. Tôi vào hẳn bên trong xăm soi từng góc cạnh rồi tấm tắc :"ừ đẹp thật" bao nhiêu tảng đá lát , bao nhiêu hình ảnh rất nghệ thuật, ngay cả những bức tượng đồng được trang trí phía truớc sân cỏ. 

Rồi hai hàng cây phong theo mùa thay áo tôi yêu thích. Tôi luôn yêu thích những con đường có hai hàng cây sóng đôi. Con đuờng Hồng Thập Tự, con ngày xưa hai hàng cây dầu , con đuờng Hồng Bàng hai hàng cây gõ , con đuờng Trần Quý Cáp hai hàng cây me, con đuờng Cuờng Để con đuờng.... không tôi đang sống tại miền bắc tiểu bang California, trong một thành phố nhỏ mang tên gọi theo tiếng Tây Ban Nha - có nghĩa là Cánh Đồng Bắp. Hai hàng cây trên đuờng tôi đi làm là cây phong đến từ Gia Nã Đại - Canada. Loại cây thay lá màu đỏ mùa Thu, Đông đến trơ cành khúc khuỷu , sang Xuân những trái khô tròn lôm chôm gai như hạt trái cóc, buông tay rơi xuống lăn loi choi dưới đất cùng lúc lá xanh nhú lên nõn nà để Hè sang thành những tán dù xanh ngăn ngắt dịu dàng. Người ta vừa đốn đi một hàng cây, phía sẽ mọc lên trung tâm thuơng mại mới. Tôi chắc chắn ít nhất hơn một người đau đớn cùng tôi, ngày những chiếc xe to đến cắt đi hơn 6 gốc cây trong vòng một ngày. Buổi sáng khi tôi đi ngang chúng còn đứng đó , tôi hững hờ không biết là lần cuối chúng vẫy chào tôi, buổi trưa tôi sững người , khi một khỏang trống hoắc trơ trọi phơi ra ngọn đồi tít tắp xa , tôi hốt hỏang khi thấy 3 gốc cây to thật to trơ ra đau đớn. Đến chiều trở về nhà, hàng cây đã mất, hàng cây phía đối diện còn lại đứng ngây ngô mất mát. Người cùng tiếc nuối hàng cây giống tôi đã viết một bài, đăng trên báo của thành phố. Những câu trách móc nặng nề, hội đồng thành phố đã không một lời nào hỏi han ý kiến của cư dân trước khi lấy đi mất một phần mỹ quan của thành phố. Tôi nghĩ, nếu chuyện ấy xảy ra, cư dân không ai muốn mất đi hàng cây ấy. 

Con đường sau ngày ấy nghiêng niểng sang một bên. Buồn bã. 


Tôi dự định sẽ viết một lá thơ cho hội đồng thành phố : 

-"Ki'nh gởi hội đồng thành phố Cánh Đồng Bắp. 

Thưa ông bà, 

Là những người đại diện cho dân chúng cư ngụ trong thành phố, ông bà nghĩ sao khi có nhiều thơ phản ánh về việc Ô/B đã cho phép cắt mất đi một hàng cây thật đẹp, nét đặc thù của thành phố Cánh Đồng Bắp. 

Nhìn hình ảnh khu thương mại sẽ hiện diện trong trung tâm thành phố, những cây dừa cao đuợc thay cho những cây phong từ Gia Nã Đại trên con đường chính, tôi nghĩ nó lộm cộm thế nào ấy. Nếu cho rằng các cây phong dễ bị bệnh , mất nhiều chi phí bảo quản, có thể bị gẫy cành gây tai nạn cho xe cộ và khách bộ hành, thì hàng cây đối diện sao vẫn còn nguyên? Chưa kể chi phí dùng để giữ các cây dừa còn cao hơn gấp mấy lần. Cây dừa cao vút thẳng đứng , phải cắt tỉa lá khô cho cây giữ dáng vẻ đẹp, phải thuê cả một công ty chăm lo cho cây không bị các chú chuột leo lên làm tổ trên đó. Lá dừa xanh không đổi màu theo mùa, không cho bóng mát , chỉ trơ trơ hờ hững không biết vẫy chào gió, không biết đùa với mưa. Nóng lạnh không cau mặt. 

Những cây dừa thường thấy trong những vùng khô nóng, biển, sao lại mang vào thành phố Cánh Đồng Bắp của chúng ta. 

Tuởng tượng thôi, hàng phong lá đỏ đối diện với hàng dừa suông đuộc con đuờng chính của thành phố chắp vá tội nghiệp làm sao. 

Nét đặc thù của thành phố Cánh Đồng Bắp đã mất, hình ảnh khu thương mại Hồ Ly Vọng xâm nhập , cư dân cũ như tôi chắc hẳn ngậm ngùi. 

Tôi viết thơ đến ông bà, để Ô/B biết rằng sự thay đổi khuôn mặt của thành phố là một sự kiện lớn đối với dân chúng cư ngụ trong vùng. Hãy cho chúng tôi có ý kiến." 


Murder

Not people
People do not live and grow
For two hundred years-
Trees!
Their massive trunks broken to pieces
and thrown down,
Their burrowing roots
Torn from the earth,
Their bodies
All along the road.
The old maples
Have been murdered.
How can we bear it?
Never to see again 
Their splendor, 
Their autumnal
Crimson and gold.
They are gone forever,
All along the road.
How could we do it? 

May Sarton 
(1912-1995)



20


Mấy hôm nay thành phố tôi ở tuyết rơi ở cao độ 1500 cách mực nuớc biển. Điều này hiếm khi xẩy ra. Rặng núi phía sau nhà , trên đỉnh phủ trắng xóa. 

Vùng thung lũng hoa vàng - thung lũng điện tử này khí hậu điều hòa, không lạnh quá hay nóng quá. Cỏ hoa thản nhiên khoe sắc. Mùa này nhiều người bị đau. Tôi cũng bị nữa. Không đến nỗi nằm vùi nhưng thật khó chịu, bỗng thấy mình yếu hẳn đi. 

Cảm giác nhìn giàn hoa đang ươm đầy nụ hứa hẹn nở vàng góc sân, bỗng dưng giàn hoa sơ xác, nguyên một cụm xanh ngăn ngắt lá và nụ biến mất, lởm chởm những nhánh trơ ra buồn nẫu ruột. Hai đêm liền tôi bị giấc mơ xấu ám ảnh sợ hãi ngủ không ngon. 

Giàn hoa của tôi nở vào mùa đông, hoa vàng tuơi rực rỡ, hương thơm dịu dàng không như hương hoa nhài sao tím, hỗn hào xộc vào mũi hăng hắc. Vì nặng nên giàn hoa bằng gỗ mỏng đan với nhau bị đổ nghiêng ra khỏi hai cây cọc thật to tôi ráng trồng xuống đất càng sâu càng tốt. Tôi dự định sẽ cắt bớt phần cái giàn bị nghiêng bung ra khỏi cọc, rồi sau đó kềm thân hoa vào hai cây cọc bằng những sợi dây thừng tôi đã mua ở home depot. 

Cách tôi dự định làm mất thì giờ lắm. Tôi nghĩ mình sẽ cưa , gỡ từng miếng giàn thì thân cây hoa không bị đụng chạm nặng, chỉ cắt bớt dần nhánh nào mình không thể đan vào dây đuợc. Còn dùng cưa máy cắt đi thì nhanh nhưng kết quả là giàn hoa nhìn tôi đau đớn. Vẫn biết cây sẽ mọc tiếp, nhưng những nụ hoa đã bị hủy hoại khi chưa nở và sự ân hận của tôi khi để những nhánh hoa bị cắt đi oan uổng cứ đè nặng lòng tôi. Giống như hàng cây bị mất trên đường tôi đi làm, cũng làm tôi có cảm giác không thoải mái. 

Tôi vừa có thêm vài nhánh đào Angie mang đến - cây mơ ngoài vuờn vừa có một cái hoa nhú lên, tôi ráng nghịch ngợm với đất cho quên đi cơn chóng mặt buồn nôn. Tôi trồng hai bụi hoa thuộc họ hoa hải đường nhiều lớp cánh, cùng xới đất duới hai gốc cây mơ, cây táo cho đám hoa chuông. Hy vọng khi mùa Xuân đến hương hoa tỏa ngát quanh vườn. 




Tháng 1- 2007

15

Một ngày chủ nhật thật vui - vườn hoa có bạn ghé ngắm chung- những nhành đào nở rực trước Tết - còn hai tuần mong manh nữa thôi năm mới thật sự sẽ đến.

Hoa đào nở, đón bạn đấy thôi
Chào thân quen kết nối bồi hồi
Không dưng nắng rực tan băng giá
Buổi sáng mùa Đông rực rỡ hồng


Duyên tạo nên những gặp gỡ thân quen như lời thơ Vòng Tròn Mãi Xoay. 
Bài hát đã nghe, đã gặp người nâng lời thơ thành nốt nhạc, chấp cánh cho từng câu từng chữ dập dềnh trên năm dòng khung kẻ. 

Tiếng ai níu chân, dừng đi
Con tim mãi cuồng xoay
lòng thành tiếng song bao la
Hạ qua đến Thu lại về
Thác tuôn nước trôi về đâu
buồn phiền cũng rồi qua
đời người chi mấy phôi pha
vì theo bánh xe luân hồi. 

để hôm nay gặp người kết chữ thành thơ - Hân hạnh được quen biết chị. Từ Minh Phương.


Vòng Tròn Mãi Xoay

Thơ : Từ Minh Phương



30

Nắng đang hanh vàng ngòai khung cửa. 
Cành đào ngạo nghễ , hương trầm quyện phút giây ngày đầu năm trong tâm tưởng. 

Bên cửa sổ nhánh lan vàng e ấp, tối qua không nghe tiếng pháo nào. Im ắng như nàng Xuân len nhẹ vào lòng. 

Những hội chắn đã qua, tiếng cuời ròn rã, ánh mắt anh vui khi được thập hồng, lấy được " con heo" to thật to. Bên anh chia những quân bài tổ tôm Văn - Vạn - Sách, những tiếng xướng cửu vạn, bát sách, chi chi, tôm , chiếu, vui hơn tiếng tí tách mưa ngòai hiên. 

Giấc ngủ ngoan đi về có nhau, ngoan như nụ hôn đêm ba mươi bao nhiêu năm về trước , những ánh sao mắc cở quay đi. 

Anh cho em mùa Xuân - nụ đào bung nở. 

Tạ ơn Trời Đất giao hòa - cám ơn anh nguồn hạnh phúc tự khởi đầu nguồn an lạc hạnh phúc em nhận đuợc sau bao phong ba sóng gió. 

Tạ ơn hoa cỏ xinh tươi - cám ơn bạn bè nguồn mật ngọt tôi trân trọng nâng niu từ khi nẩy mầm thân ái. 

Gởi đến các bạn lời cầu chúc ân cần nhất trong ngày đầu năm mới. 

Gặp vạn sự như ý cầu mong 
Chắt lọc niềm vui trong ưu phiền, đương nhiên hiện diện đâu đó trong đời sống. 

Tháng 12 - 2005


Ngày 24 tháng 12 sẽ là ngày lễ Giáng Sinh. Ngày sinh nhật đấng Cứu Thế cách đây đã hơn hai ngàn năm.

Với tôi, khi còn bé ngày Giáng Sinh là ngày gia đình cùng nhau dựng hang đá bằng bao giấy đựng xi măng bỏ đi, bố tôi treo chiếc đèn ông sao truớc nhà, biểu tượng của gia đình công giáo, dự thánh lễ nửa đêm, khi về gia đình tôi cùng nhau ăn bữa ăn nhẹ , me tôi hay nấu cháo gà, và nhất là một cái bánh nhìn giống khúc cây.

Khi tôi tròn trăng me tôi mất, thánh lễ nửa đêm thiếu mẹ, bố tôi và chị em tôi vẫn giữ đúng thông lệ, một hang đá nhỏ, một nồi cháo gà, chiếc bánh chị em tôi làm truớc một ngày giữ trong tủ lạnh.

Điều tôi luôn nhớ là trên đuờng đi dự thánh lễ, bố me tôi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thật hay thật cảm động về đáng cứu thế, về những việc chúng tôi nên làm trong ngày sinh nhật Chúa. Những câu chuyện lớn dần lên với chúng tôi cho dù ba me của tôi không còn trên duơng thế.

Hình ảnh bố tôi đặt tuợng Chúa hài đồng vào trong hang đá một cáh trìu mến , cùng với giọng trầm ấm nói cho các con nghe về câu chuyện Thánh Gia nghèo hèn hạnh phúc.

-"Đây là Thiên Thần hát mừng Chúa giáng sinh, đây là Mẹ Maria hiền dịu như Mẹ của các con, mai sau khi các con lớn bố biết các con cũng sẽ là những người mẹ hiền chăm xóc gia đình. Đây là thánh cả Giuse người thợ mộc hiền lành, bảo vệ vợ con lánh xa kẻ dữ, đi làm kiếm tiền để nuôi sống gia đình, giống như bố đi làm để nuôi các con, dạy dỗ các con nên người hữu dụng."

Các em tôi đôi mắt mở to nghe lời bố, tôi lăng xăng giúp bố, uống lấy lời bố kể, ông hay lồng trong câu chuyện lời ông nhắn nhủ, dạy dỗ các con.

Lễ Giáng Sinh đối với tôi là ngày gia đình cùng nhau chia xẻ buồn vui, bố tôi dạy chúng tôi chia thức ăn đến người nghèo đói, chia quần áo đến kẻ thiếu chăn , sống tinh thần Thánh Gia khởi đi từ hang đá cơ hàn. Sau đêm Giáng Sinh tôi nhớ bố chở mẹ và hai em trên chiếc xe suzuki, tôi và hai em nữa đạp xe theo bố đi thăm cô nhi viện. Cô nhi viện của nhà dòng, có cô của tôi là dì phước chăm sóc. Hay có năm, cả gia đình tôi đi về làng gì đó tôi không nhớ rõ, để chơi với anh chị của tôi, nhà lá, nền đất nện, những người đan tre đan lát, các anh các chị muốn đuợc đi học phải lên nhà tôi ở. Bố tôi hay nói ,các con đuợc sống sung sướng, đuợc đi học phải ráng học cho giỏi.

Phần mẹ tôi, tôi học được từ mẹ sự dịu dàng, nhẹ nhàng, những xấp vải mẹ mang theo biếu các bác, các cô để may quần áo cho các cháu, những phần bánh mẹ tôi mang về làm quà, nhà nào cũng có. Mẹ tôi đến đâu cũng đuợc mọi người thuơng mến, bà không ngồi ở phòng khách, mà luôn vào trong bếp để xem, để biết thùng gạo có đầy, chai nuớc mắm có lưng không, lần sau khi xuống thế nào bà cũng mang đúng những thứ các gia đình đó cần.

Những hạnh phúc tôi có với Bố Mẹ tôi không nhiều lắm, nhưng tồn tại mãi trong ký ức tôi cả đời, không phai nhạt.

Những bài học tôi gom góp đuợc từ bố mẹ của tôi , tôi muốn lập lại cho các con, các cháu. Nhưng khó khăn làm sao, hình ảnh những khu mua bán dập dìu, đèn sáng chưng, những gói quà màu sắc rực rỡ bên ngòai, bên trong rỗng tuếch lại là những thứ người ta đang gởi gấm cho nhau trong mỗi mùa Giáng Sinh. Ngay cả hang đá nghèo hèn, nay người ta cũng trang trí thật xa hoa lộng lẫy.

Ngồi trong phòng đợi phẫu thuật, những ánh mắt lo lắng, tiếng khóc òa khi bác sĩ báo tin dữ, niềm vui khi bác sĩ báo đã hòan thành bình an, mọi điều ấy pha trộn thành đời sống. Niềm vui nhỏ nhoi, hạnh phúc không tòan vẹn ngắn ngủi, đau khổ và lo lắng luôn hiện diện kéo dài. Đến một lúc con người cảm thấy mình bất lực khi nhìn đau đớn của người khác mà không biết làm sao chia xẻ, khi chính mình đang lo lắng cho người mình yêu quý. Tôi chỉ biết nói câu "rất tiếc" và xiết tay người ngồi kế bên tôi, khi gia đình họ không thể mang người thân về cùng khi ngày lễ Giáng Sinh sắp đến. Nước mắt chỉ làm nhẹ đi sự trĩu nặng trong lòng.

Hôm qua tôi vừa giăng đèn chung quanh nhà, vừa dựng cái cây thông lên trong phòng khách, tôi có cái hang đá nhỏ, tôi sẽ để ra cái bàn ngòai sân. Hai tuần nữa con gái út tôi về. Tôi muốn linh hồn ngày Giáng Sinh có trong nhà tôi, ngôi nhà nhỏ của tôi. Lòng tôi đang thật bình an sau hơn ba tuần lo lắng cho anh, lo lắng nhưng không nói ra, tìm những việc làm lẩm cẩm cho quên đi.
Cuộc đời có nhiều bất ngờ không đóan truớc, một cơn bịnh đơn giản có thể thay đổi cuộc đời nhiều người liên hệ, một tai nạn cũng có thể làm cho một gia đình đang hạnh phúc trở thành đớn đau mất mát. Anh đang ngồi bên tôi, còn đau một chút , nhưng hạnh phúc vì chúng tôi có nhau.

Các bạn ơi, mùa lễ Giáng Sinh là mùa chia xẻ, không phải là mùa tất bật chạy đi mua quà, gói thật đẹp thật sang , cho người này biếu người nọ. Mùa lễ Giáng Sinh là mùa lễ gia đình, vợ chồng con cái, anh chị em, bạn bè thân thuộc. Bên cạnh đó hãy chia xẻ đến những người bất hạnh bạn biết, bằng tất cả tấm lòng của bạn gói ghém trong đó bạn nhé.

Thân mến gởi đến các bạn và gia quyến lời cầu chúc bình an trong mùa lễ Giáng Sinh này.

27


Những ngày lễ được thanh thản, bạn bè gặp gỡ, lăng xăng nấu nướng, vui vẻ nói cười, tất cả bằng cả tấm lòng tôi có.
Mùa lễ tôi không thích đi mua sắm, tôi thích ngắm nghía những tâm hồn ngày lễ, để nghiệm ra rằng chỉ còn niềm vui trong ánh mắt của trẻ con dưới mười hai tuổi. Trên mười hai tuổi hình như các cháu khẳng định không còn ông già Noel nữa, chỉ là cha mẹ họ hàng, những người lớn dùng quà để trao đổi sự ngoan ngoãn của các cháu. Tôi không khẳng định tất cả trẻ con trên thế giới, chỉ dám nói đến các cháu ở gần chung quanh tôi, đang sống trên một đất nước được mệnh danh là trù phú nhất thế giới. Cha mẹ bận rộn đi làm, trả lại các con những thiếu thốn tinh thần bằng những bộ trò chơi điện tử, bằng những quần áo đồ chơi con muốn, không phải các thứ con cần.

Từ những điều này tuổi thơ đã vụt lớn, không ít những gia đình tan vỡ vì cha mẹ đổ lỗi lẫn nhau - không chăm sóc giáo dục con đầy đủ để con hư. Sau đó họ, những người cha nguời mẹ, cho thêm họ cái quyền tự do lìa bỏ nhau, lìa bỏ cái địa ngục họ tạo ra mà không biết, không hay. Các cháu ngơ ngác nghe tin phải sống với cha vài ngày, với mẹ vài hôm sau khi giấy tờ li dị được ký.

Lâu lắm rồi tôi đã biết, càng khốn khổ chừng nào, khi nhận lãnh niềm vui dù nhỏ bé thôi càng hạnh phúc chừng ấy. Thượng Đế khi tạo dựng con người, có lẽ Ngài đã cân bằng sướng khổ cho con người, nên ai ai cũng được sống theo cách họ muốn - cách họ tìm.

Gia đình tôi, không phải là một gia đình hoàn hảo, những tranh chấp, những xáo trộn luôn có, nhưng cách giải quyết thế nào là điều tôi muốn nói đến.

Trong gia đình.

Tôi không để lưỡi tôi nói ra những điều làm tổn hại tự ái của chồng - con - cha mẹ, anh chị em.
Tôi luôn để mắt tôi thấy những điều đẹp đẽ từ những người đối diện.
Trí óc tôi nghĩ đến những việc tốt đẹp tôi nên làm dù phần thiệt thòi mình nhận lãnh
Xin lỗi và Tha Thứ.

Tôi đang viết về một bà thánh ư? Không đâu, để làm được các điều trên tôi phải có một tình yêu thật sự. Yêu đủ để nhập vào người khác, hóa thân thành người khác mà suy nghĩ giống như họ cùng họ.

Điều gì khiến tôi viết về tình yêu - tình gia đình thế này! có lẽ hai bộ phim tôi xem chăng? Mê Thảo thời vang bóng - Memoirs of a Geisha.

Người ta có thể yêu đến độ cuồng điên, làm phương hại những người chung quanh. Yêu mù quáng đến nỗi quên đi người bên cạnh là người xả thân che chở, chăm sóc đến mình như ông quan Huyện Mê Thảo không thấy được chân tình của Cam.

Yêu tha thiết tiếng đàn quyện cùng giọng hát, để người chồng uât lên mà chết như cô Tơ

Cũng yêu đủ để chết theo đàn như Tam anh nghệ sĩ si giọng hát người tình.

Mỗi con người có quyền lựa chọn cho mình một cách yêu. Nhưng Yêu như thế nào để không hại đến người khác là điều không phải dễ.
Chỉ yêu không thôi cũng đã khó lường tai hại, nếu có thêm một yếu tố gì khác tiềm ẩn đàng sau thì càng kinh khủng hơn. Bao nhiêu câu chuyện dùng tình yêu để trả thù, để khuynh đảo cả một quốc gia, dân tộc , nhan nhản chung quanh tôi những mối tình mang hơi hám danh lợi, mang mầm mống thù hằn, chưa kể những tính toán so đo giữa các người trong cuộc với nhau.

Bộ phim hai me con tôi xem với nhau trong ngày trời mưa tầm tã - trên màn ảnh cũng tầm tã mưa. Vừa mưa rào, vừa mưa tuyết. Phải đã đọc đã hiểu về Geisha mới có thể biết con người từ xa xưa thưởng ngoạn nét đẹp của người phụ nữ thế nào. Họ huấn luyện uốn nắn đứa bé gái quê mùa được mua từ làng quê hẻo lánh thành một mỹ nhân, đàn ông ai cũng muốn được gần.

Một điều đau đớn là người mỹ nhân này không được phép yêu. Ai cấm được trái tim họ nhỉ. Và mối tinh của nhân vật chính trong phim, khởi đi từ cây kem cô được một người đàn ông cho cô trong thời gian cô còn là cô bé gái lên 10 làm đầy tớ trong nhà của người đàn bà huấn luyện, bán mua kỳ nữ.

Tình yêu nuôi con người khôn lớn với bao hình ảnh đẹp để vương đến và cũng vì tình yêu là nguồn ghen hận để tàn phá lẫn nhau. Vòng tròn xoay quanh nhức mắt. Sáng suốt để đi đến đích cùng nhau là một thử thách cho cả hai, không thể chỉ từ một một phía.

Con gái hỏi mẹ về tình yêu.

Mẹ chỉ biết trả lời :

-"im lặng nghe tim con nói gì , khi nào con bỏ được điều con thích vì một người đó là tình yêu. Con có bỏ được tính phải đi mua sắm, khi nghe tiệm quảng cáo bán giảm giá vì me không?"

-"Nếu me muốn, con không đi với me, nhưng đi với bạn"
-"Vậy là con đâu có yêu me"

-"Ô ! tình yêu là không đi mua sắm khi cửa hàng giảm giá?"

-"Không phải, yêu là giữ cái khăn trong túi áo ngay trước ngực trái giống cô geisha trong phim á"

-"Yêu gì kỳ vậy me - con yêu là con nói thẳng vào mặt nó"
-"Tại con hỏi me yêu là gì mà?"
-"Thôi con biết me yêu là gì rồi, là nấu cơm cho ba ăn, bới cơm cho ba mang đi làm. Tại sao ba không tự bới lấy, ba mới biết là thích ăn gì và bao nhiêu?"

-"Me yêu ba đủ để biết ba thích ăn gì và bao nhiêu"
-"Vậy tình yêu là biết người ta thích ăn gì và ăn bao nhiêu hở"

Chịu thua con gái. Không biết phải giải thích cho con tình yêu là gì, có lẽ mai mốt phải hỏi lại con.

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu"

Ngày xưa nhà thơ Xuân Diệu đã hỏi Vì Sao........

thời của tôi thì ngâm nga

Đành để nghe trời định nghĩa yêu

Đến con gái bây giờ , nếu cháu yêu người bản xứ, thì....tôi đành ngọng nghịu không biết sẽ giải thích thế nào.

Tháng 11 - 2005

Chiều Thơ – Văn Trần Trung Đạo – San Jose .

Chiều qua, chủ nhật ngày 6 tháng 11 tôi đi dự buổi ra mắt sách của anh Trần Trung Đạo. 
Buổi chiều rất bình dị mùa Thu, không nồng ấm nắng Xuân, không hực vàng nắng Hạ. Buổi chiều bình dị vì nắng rất mềm lá không ngồn ngộn sức sống, lá nhè nhẹ chuyển mình lặng lẽ rơi. 

Đến nghe những vần thơ, nghe lời tự sự của một nhà thơ trong thính đuờng truờng trung học Yerba Buena tọa lạc tại 1855 Lucretia Ave Thành Phố San Jose, tiểu bang California nước Mỹ. Tôi nhận ra trong hội truờng, hơn hai phần tóc bạc, một phần ít thôi tóc vẫn còn đen. Bên lề buổi ra mắt sách là những hẹn hò cho một buổi văn nghệ, cho một ngày ra mắt thi phẩm mới, sáng tác mới. 

Những bài thơ của anh Trần Trung Đạo là những bài thơ xoáy vào tim người đọc, những bài thơ như mũi dao đâm xộc vào luơng tri con người, những bài thơ có lửa để nhóm lên tình nhân đạo, nhắc đến mẹ đến em đến chị, đến anh đến cha đến ông , đến một thân phận Việt Nam, đến một thời đại Việt Nam máu và nuớc mắt đã hòa vào nuớc biển. Anh vẫn viết tiếp những bài văn có lửa cho từng biến cố xảy ra trên quê huơng Việt Nam . Lý do tại sao tôi biết anh, trân trọng những điều anh viết và tôi có mặt lần này . Lần truớc tôi chỉ vừa đặt chân đến SJ qua chuơng trình HO , nên không đuợc dự .

Người thi sĩ rót nuớc mắt cho dân tộc Việt Nam, viết giúp cho những thân phận Việt Nam, bày tỏ nỗi lòng những người con Việt Nam gởi đến Mẹ, đã như chìm đi trong đám đông vội vã áo cơm, cuống cuồng trong dòng xe tất bật chiều chủ nhật. 

Bây giờ người ta bắt đầu nói đến những người con gái tha phương, không còn nhìn ngắm lũy tre làng là ranh giới cho thời con gái, ranh giới của các cô đã là những ranh giới của các quốc gia lân cận. Trung Quốc - Đài Loan - Châu Âu - Châu Mỹ. Các sáng tác thơ văn nào diễn tả được giai đọan này. Nuớc mắt và máu thấm vào đâu, sau giai đọan hòa vào biển. 

Anh Trần Trung Đạo ghi xuống giấy những điều anh chứng kiến, bật tiếng kêu bằng những vần lục bát nghẹn ngào, đọan phim bảy phút trình chiếu buổi chiều sóng vỗ, cô bé nhỏ nhoi lẩm bẩm chia kẹo cho mẹ, cho cha, cho anh cho chị, giọng hát của anh Hưng kể lể, biển pha màu máu. 

Nhắc đến những cái chết lạ lùng, có lẽ chỉ người Việt Nam mình mới có thể giải thích đuợc tại sao? Người đàn ông VN bị xe đụng chết trên xa lộ thênh thang San Jose nuớc Mỹ, làm anh nhớ đến người phụ nữ mang thai nhảy xuống biển theo chồng , mênh mênh mang mang như thế, trong buổi anh mang những tâm huyết gởi đến mọi người, anh đã sống ở San Jose, ngừoi mẹ già VN San Jose đuợc anh trang trọng mang vào thơ, những người Mẹ Việt Nam nứoc mắt luôn chảy xuống. Giọng ngâm của anh không quyện vào tiếng sáo, tiếng đàn tranh mà lại nuơng theo tiếng đàn thùng anh gảy. Sự hòa điệu lạ lùng không trọn vẹn, dang dở bật thành âm thanh réo rắc não nề, không ai đọc đuợc bài thơ có hồn hơn người đã cưu mang ra nó. 

Hội truờng đã im lặng lắng nghe - rưng rưng đôi con mắt, nhưng chắc chắn một điều, theo thời gian sự đau đớn đã phôi pha đôi chút, không như muơi hai mươi năm về trước vết thương còn lở miệng. Bên cạnh những sáo ngữ đuợc dùng “nồng nàn – thắm thiết” tôi tin anh nghe đuợc những chân tình không nói ra, qua những tràng pháo tay đồng tình với câu thơ anh đọc, người tham dự ở lại đến phút cuối cùng, không như những buổi ra mắt sách khác, chỉ hơn nửa tiếng sau khi khai mạc, còn lơ thơ vài chiếc ghế có người .

Cám ơn anh Trần Trung Đạo ghi lại giúp mọi người, đã cùng sống với anh trong một giai đoạn tang thương của đất nuớc, những bài thơ những áng văn trung thực, đẫm yêu thương nhân bản trong đau đớn tang thương. 

Ấu Tím . 

11

Tự dưng không muốn viết gì nữa hết , không nghĩ ngợi, không không và không. 

Nguồn hạnh phúc tôi có, tôi biết tôi có, quá to lớn để tôi viết ra hay kể lể. Mỗi ngày khi thức dậy,tiễn anh đi làm xong, trời còn rất sớm, mặt trời chưa mọc, không gian chung quanh im ắng nếu tôi không bật truyền hình lên xem tin tức. 

Tập vài động tác thư giãn, hay đi bài thái cực quyền, pha ly cà phê, ngồi nhâm nhi và đọc diễn đàn Đặc Trưng - Phố Xưa - Sương Nguyệt Anh - Phụ Nữ Việt - Gạch Nối -TeTet. Cùng lúc với việc mở bếp lên hầm xương, hay nấu thứ gì đó chuẩn bị cho bữa chiều. Các diễn đàn trên đều có các bạn cũ, từng một thời biết nhau trên diễn đàn ĐT, nhắn gởi tôi điều gì đó. 

Giọt sáng vừa soi, là tôi ra khu vườn quanh nhà, tẩn mẩn xem cái này, ngắm cái nọ, nhặt vài chiếc lá sâu, ngắm cái nụ hoa tí tẹo, hay chụp vài tấm hình nếu thích, nhất là thăm đàn cá xem tối qua chúng có bị chồn cáo gì đến phá phách không. Nếu có chồn đến phá, chúng nó sẽ trốn vào trong hốc đá, còn không bị phá, chúng sẽ ra chào tôi buổi sáng và đòi ăn. 

Đời sống của tôi bình an như thế, có gì để khóc muớn thuơng vay mà phải viết vớ va vớ vẩn. Nhưng tôi lại thích viết vớ va vớ vẩn truớc khi đi làm, có điều gì khó chịu tôi cũng thích viết hơn là nói ra, mà hiếm khi tôi bị khó chịu thì lấy gì nữa để viết. Có nhiều khi tôi cằn nhằn cửi nhưởi để "nhõng nhẽo" hơn là để cái nhà buồn hiu không có tiếng nói. Bây giờ tôi mới hiểu hội chứng "trống vắng" như thế nào, truớc đây nghe nói tôi không tin. 

Từ lúc con bé út dọn lên trường , sau một thời gian nhớ nhung lo lắng cho con, bây giờ hơn một năm, đâu đã vào đấy là lúc ngẩn ngơ mang "hội chứng trống vắng" không muốn gì nữa hết. 

"Cái tổ trống" là điều tôi muốn viết cho nhẹ cái phần trống vắng bây giờ tôi đang có. Anh chắc cũng hiểu và đang mang cùng hội chứng trống vắng giống tôi. 

Lạ là ngày cái tổ chưa trống, hai vợ chồng hay đi đây đó , dự hội này tiệc nọ, bây giờ cái tổ trống, hai đứa lại chẳng muốn đi đâu, ngay cả rủ rê bạn bè đến nhà chơi. Tự dưng như khép lại, tự không mà thấy có hai đứa thôi đã đủ. 

Ngắm lại những hình ảnh của anh TaBaLo từ Việt Nam gởi sang , đường xưa lối cũ, quê nhà, những nóc nhà thờ, những hàng cây thẳng, cột điện mảng trời rưng rưng nuớc mắt, đã qua, đã xa, bụi phủ. Có thể dòng đời trôi làm mòn đi nhung nhớ chăng. 

Nơi tôi đến làm việc mỗi ngày cũng bình an như lòng tôi thanh thản. Một khung cửa rộng nhìn thẳng ra hồ nước, mỗi mùa đông vài con vịt trời đến tạm trú, bây giờ tôi đang bắt đầu đợi ngày đôi vịt trời trở lại. Con vịt trống có ngấn cổ xanh biếc, tôi nhớ ngày đi mua-bán vải ở chợ "đèn ba ngọn" trong chợ lớn, người ta có màu soir xanh cổ vit - lúc ấy tôi nghĩ "màu xanh lá cây đậm", bây giờ tôi biết rõ hơn màu xanh cổ vịt, là màu xanh lá cây có ánh biếc lóng lánh, con mái không có viền lông cổ, chỉ một màu xám ỉn, xấu xí. Chị Phuợng Các nói cho tôi nghe, mấy con đực phải có màu mè để con mái đeo theo. Con người thì nguợc lại, con gái phải phải trang điểm để con trai đi theo. 

Từ khung cửa kính, tôi biết nắng hay mưa, xuân hay hạ thu hay đông. Có hôm con chim sẻ xà xuống, nằm xoãi cánh phơi nắng, ngay trên thềm cửa, nơi có cái bàn bằng sắt và hai cái ghế. Bộ bàn ghế này khiến tôi vừa làm việc vừa thèm đuợc ra ngồi uống cà phê ngắm cảnh. Thèm vì đang làm việc, mình không thể bỏ việc, khi làm việc xong chỉ mong về nhà, chả lẽ nấn ná ngồi ngắm vịt trời? Tôi gọi cái thềm hình như không đúng lục lọi trong đầu mãi không ra chữ để gọi "cái sàn gỗ" điểm trang cho khung cảnh này. 

Cái cây cũng lạ, bốn mùa xanh um như liễu rũ, mùa đông lá có rụng nhiều hơn thế thôi. Khỏang hai tuần một lần có người đến vớt lá rụng trong chiếc hồ nhỏ này, nuớc chỉ cao khỏang bằng đầu gối. 

Tôi may mắn quá phải không? chung quanh nhà đầy hoa lá, nơi làm việc cũng phủ lá hoa. Tôi có gì để than phiền, chỉ biết chia xẻ chút ấm ớ của tôi. 

Nói đến chia xẻ, tôi lại mắc cở hay cảm thấy có tội khi mình đuợc may mắn hơn người khác, có lần Camel nhắc nhở chị cứ khoe ra hạnh phúc, làm người khác khó chịu. Tôi lần thần tính tóan, chia cộng cả cuộc đời tôi, thì tôi thấy ra rằng, hạnh phúc may mắn tôi đang có là do tôi chắt lọc giữ gìn những phần đau khổ và không may mắn tôi đã chịu đựng và tìm cách vuợt qua không giữ lại làm chi. 

Vậy bạn có đọc những chia xẻ này, mong bạn có vài phút bình an, như tôi đang có. 





Tháng 10 - 2005


09

Trời đang hửng sáng . Hôm nay ngày chủ nhật . Khóm hoa tôi trồng cách đây hơn ba năm vừa cho tôi hoa để ngắm
Hoa mọc từ củ giống như hoa của i đã mang đến cho hai năm về trước, lá mỏng dài hơn. Không biết gọi hoa tên gì, lũ ốc sên thích ăn lá của hoa lắm.
Mấy tháng rồi tôi không viết nhiều nữa, tháng hè có con về nhà, anh của tôi thay đổi giờ làm việc. Chung quanh bạn bè ai cũng có nỗi lo toan. Phần tôi cũng gặp chút lo lắng trong gia đình. Chỉ chút thôi đã làm tôi xáo trộn.

Tôi có nhiều việc để làm lắm, không chân tay thì đầu óc, tôi ôm đồm mọi thứ vào người tôi tự cho tôi trách nhiệm để gánh vác, tôi lo từ cái tổ chim ngay cửa không biết chúng nó còn cần tổ không trước khi tôi dọn tổ của chúng đi - loại chim bồ câu này thật là hư, chúng nó không biết tìm chỗ vững chắc xây tổ, xây được tổ rồi thì bừa bãi không chịu được. Nhưng nhìn vào đôi mắt hiền dịu của chúng, tôi tha cho chúng cái tội "bầy hầy" ngay. Hôm hai mẹ con đứng ngắm tổ chim, con tôi la lũ chim "bầy hầy", tôi đùa với con :"May mà hồi xưa má khó , la con hoài , chứ không bây giờ con cũng "bầy hầy" giống tụi nó."

Dĩ nhiên, một căn nhà ấm cúng là căn nhà có bàn tay vén khéo của người phụ nữ, đóa hoa, ngọn nến, sạch sẽ không luộm thuộm nhưng đôi khi tôi để ì ra đó những vật dụng các con về chơi còn để lại trên bàn.Tôi hay ra tận cổng đón các con vào nhà . Bước vào cửa xong , con gái lớn của tôi quăng ngay cái ví lên bàn, nằm dài xuống sa lông, la lên :"Sung sướng quá". Cô gái út thì để hết đồ đạc ngay ngạch cửa, vào mở tủ lạnh ngay. Mỗi đứa một kiểu khi về nhà.

Tôi để cho các con bầy bừa nhà khi về chơi, không đi theo xét nét, bắt con phải dọn dẹp để đúng nơi đúng chỗ nữa - bỗng dưng tôi thấy "bầy hầy" cũng có hạnh phúc của "bầy hầy".

Bầy ra khoe ra chưng ra có thứ tự lớp lang là "bầy biện" còn bầy hầy khi tôi dùng để nói với cô Út là bầy bừa - dơ hầy. Lần đâu khi cháu nghe tôi dùng chữ bầy hầy cháu cười hi hi. Tôi nhớ hoài lúc ấy. Cô này tiếng Việt không rành, đi học trường Việt Ngữ 5 năm trời , mỗi cuối tuần song song với chương trình trung học , điều cô làm được là đọc thực đơn trong nhà hàng Việt Nam. Nhưng khi nghe tôi dùng chữ gì là lạ, cháu sẽ hỏi để tôi giảng cho nghe. Nghe xong thích lắm. Cô năm nay đã lên năm thứ hai đại học.

Tôi cứ lo chuyện này xọ sang chuyện nọ, chưa kể tôi lo luôn chuyện gió bão mưa mù. Lo đây là lo cho bạn cho bè, chứ tôi không dám lo cho trời cho đất, cho chính phủ đông tây. Tôi chỉ thoáng nghĩ đến khoảng đó , vùng đó có chị... có anh... có em... là tôi không vui được, không ngồi uống cà phê thảnh thơi viết nhăng viết nhít được. Bạn tôi, anh chị em tôi có bình an không.

Hôm nay có vẻ mọi điều đâu đã vào đấy. Bão đã đi ngang rồi, bà con họ hàng, bạn bè của tôi ai cũng bình an. Các con tôi đã bắt đầu trở lại trường, anh của tôi cũng đã tạm quen với thời khóa biểu làm việc mới , tôi tự thấy mình không có "tội" gì mà không viết một chút tâm tình của mình.

Tôi hay tự thấy mình có "tội", khi người khác đang gặp điều không vừa ý mà mình không làm được gì để chia xẻ với họ. Em tôi đau, tôi cảm thấy có "tội" khi không cho em được sức khoẻ của tôi, không chia được cái đau của em.
Chồng tôi bị đi làm ngày chủ nhật, tôi thấy tôi không thoải mái khi thong dong một mình.

Đúng là tôi nhiễu sự.