Thursday, November 1, 2012

Tháng Tư -


Cuối tháng Tư, nơi tôi sống bây giờ người ta khổ sở về mùa thuế. Gom góp tòan bộ giấy tờ từ nhà băng, đến lương, đến nhà, đến xe đủ cả để hy vọng lấy lại một số tiền từ sở thuế. Có câu nói thế này : “trên đất Mỹ chỉ có chết và thuế là một điều bất dịch không thay đổi”.

Tôi hững hờ với những điều ấy – nhà băng đối với tôi là nơi cất tiền, tôi chẳng có nhiều tiền để cất – nhà; xe là những vật dụng hơi lớn hơn cái lược, cái trâm đối với tôi, nên cũng chẳng có gì phiền lắm. Tôi không thay đổi lược trâm nhiều, nên cái nhà và cái xe cũng thế, chỉ một mà thôi. Người ta bảo không thay gương đổi lược là người chung thủy. Cứ nghĩ thế mà từ mấy chục năm nay tôi vẫn còn giữ cái lược ny lông màu xanh dương đậm.

Tháng Tư phần đông mọi người lo thuế, vâng tôi đã nói ở trên – Tháng Tư tôi không lo thuế, tôi rảnh rỗi tôi nghĩ về tôi. TÔI của tôi, cứ mỗi tháng Tư lại lao xao vớ vẩn. Nếu không có tháng Tư ấy thì TÔI thế nào ? Có khác tôi bây giờ không ? Có kiêu hãnh khác người, có nhút nhát sợ hãi, có ấm ớ hội tề, có... không phải là TÔI nhìn mọi sự nhẹ như bông, thảnh thơi nhẹ nhàng trong từng phút giây sống còn nhàn hạ.

Cái thùng nhôm đóng đúng theo kích cỡ cho phép, dài rộng cao có bốn bánh xe để dễ di chuyển thay cho cái va li du lịch, bất ngờ tôi nhìn lại nó, tháng Tư 1975 sống lại. Có lẽ trên thế giới này, chưa ai nghĩ ra đuợc chuyện đóng một cái thùng bằng nhôm để thay cho cái va li đựng mọi thứ lỉnh kỉnh khi lên máy bay đi đó đây như thế - chỉ một và có một Việt Nam tôi, mới có. Hành lý ra đi của năm 1954 là cái gánh, hai cái thúng, một đầu địu con, một đầu là gia tài sự nghiệp, vài chiếc áo rách vai, vài tấm giấy nghuệch ngọac gia phả, kỹ lưỡng gói bài vị ông bà tổ tiên, lên tàu thủy vuợt tuyến 17 vào Nam.
Hành lý ra đi sau năm 1975 là cái thùng nhôm – cân nặng khỏang 30 kg, có kẻ chữ bằng sơn đỏ, tên – địa chỉ, số hồ sơ và đuợc đi bằng máy bay. Trong thùng ấy, có lắm thùng không còn bài vị gia phả ông bà, chỉ tòan là áo quần, chỉ tòan là những chuẩn bị không cần thiết, nghèo nàn. Trong thùng tôi mang theo có thêm những tờ giấy viết nguệch ngoạc, vài sự kiện xảy ra tôi thấy, nay mở ra giấy vàng chữ nhạt, tôi đọc được :

- Người đàn ông gục đầu, thẻ nhang cắm vội trước căn nhà số 38 quốc lộ số 6. Trưa 30 tháng 4, hai cái xác nằm buồn tênh, tay thõng xuống lòng đường.

- Dãy dãy người chết trương phình, đặt xếp lớp trong nhà xác nghĩa trang Đô Thành. Mùi hôi bắt đầu bốc lên. Làm sao tìm ra người thân – cố tìm cách trốn chạy – con thuyền mong manh, chìm khi vừa qua khỏi cầu chữ Y một đoạn.

- Một gia đình 5 người cùng chết sau bữa ăn cuối có trộn thuốc giết chuột. Bà mẹ và sáu đứa con, lớn nhất 12 bé nhất 3 tuổi.

- Đổi tiền, mỗi gia đình còn 200 đồng, phần còn lại nhà nước cách mạng quản lý.

- Bảy giờ đi họp tổ dân phố, nhà nào có ngụy phải được quản lý, thanh tra chặt chẽ.

- Mừng xuân, mỗi hộ dân được mua một kg thịt đùi, hai lít nước mắm, 3 mét vải tám.

- Đổi sổ gạo, sổ cũ hết hạn.

- Nhà có ngụy quyền đi học tập, phải có một người tập trung đi làm thủy lợi. Lại phải nói khó với chúng, con ai trông mà đi làm thủy lợi.

- Con không được vào học lớp tiên tiến vì gia đình là ngụy

- Anh ơi ! tủi thân em, hôm qua kinh tế thị trường bắt sạch đám quần áo cũ, em bày ra bán ở chợ Tân Bình. Mặt chúng nó trẻ măng, còn hôi mùi sữa, mà quát nạt em. Nhìn chúng túm tấm ny long gói trọn bao món lỉnh kỉnh trong nhà em mang ra bán mà uất không chịu được. Có bao giờ anh thấy em khóc truớc mặt người lạ đâu anh nhỉ, thế mà em khóc giữa chợ ngon lành. Trong túm ny long ấy có chiếc áo cưới của em. Cứ nghĩ là kỷ niệm, mai mốt con gái lớn lên em khoe cho con xem, chiếc áo cưới màu hồng có kim tuyến vàng lấp lánh.

- Anh ơi ! không biết anh đã trốn đi được chưa. Hôm qua công an đến nhà kiểm tra hộ khẩu. Hỏi em anh về chưa. Em trả lời ông cấp giấy cho chồng tôi đi về quê tìm đất để hồi hương, ông không nhớ sao ? Hắn nói cấp rồi nên phải biết anh có về lại chưa. Em dúi cho hắn gói thuốc Sông Cầu, hắn bỏ đi.

Tôi cứ đọc những mẩu giấy rời rã ấy. Nhớ khi chuẩn bị ra đi trong chương trình nhân đạo dành cho tù cải tạo đã có 3 năm trong trại tập trung, xé vội những trang nhật ký, gom lại những bài nhạc bài thơ, bao năm dấu diếm, cứ nhủ lòng không dấu cất trong tương lai con cái làm sao biết có những điều nhẹ nhàng, có những tháng ngày hoa mộng cha mẹ đã trải qua . Những bức hình, áo hoa oai dũng của ba, áo dài thướt tha của mẹ. Nón lá nắng vàng. Bây giờ ngồi lục lọi lại mắt cay cay. May nhờ có chuyến ra đi này, người ta mới khám phá ra phổi tôi bị nám.

Hơn 15 năm trôi qua thảng thốt, các con đã lớn, đã xa nhà. Sự hội nhập vào tự do, mức sống tiến bộ, nhanh chóng. Xa lộ thênh thang xe chạy với vận tốc nhanh, người người tranh nhau từng phút, cho dù chẳng đi hơn nhau đuợc là mấy thì ghi chép của tôi trên những tờ giấy ố vàng này các con có đọc hay không? Khi tháng năm chồng chất, con người bước chậm lại hoảng hốt sợ hãi khi thấy chung quanh mình, có nhiều chuyển động nhanh chóng. Tôi hay lo lắng cho tương lai các con sẽ mệt hơn, khổ hơn tôi. Không biết từ lý do nào tôi hay bi quan như thế, nếu so sánh đong đếm cho rõ ràng hơn thì biết đâu các con tôi đang nhìn tôi một cách tội nghiệp, tại sao lại vấn vương với cái thùng nhôm vô dụng, chỉ làm vướng víu xấu xí căn phòng nhỏ được trang trí vén khéo từ tấm khăn trải nệm, đến cái rèm che chân giường. Đời sống nơi đây cần đẹp hơn cần no – thức ăn dư thừa đến nỗi người ta sợ ăn đâm ra thèm mặc. Chưa biết chừng cái thùng nhôm này trong tương lai, sẽ bị đem đi cho hội từ thiện, hay đem bỏ vào bãi rác khổng lồ trên đất Mỹ vì vướng víu. Vướng víu trong căn nhà rộng thênh thang, vẫn thấy chật hẹp, theo thói quen nhìn mọi sự to lớn chung quanh mỗi ngày, để câu chuyện một gia đình hơn bảy người sống trong căn nhà với diện tích bốn mét chiều ngang, sáu mét chiều dài thành chuyện xưa để kể.

Hôm nay tôi ngồi đây, ghi những xúc động còn lại cho ngày 30 tháng tư, năm 1975 đã thay đổi vận mệnh đất nước Việt-Nam, đã lấy đi sinh mạng bao con người vô tội, đã để lại bao nhiêu vết cứa thương tâm, năm sau, vài năm sau nữa có thể tôi không còn mở những tờ giấy vàng này ra nữa. Khóa nó lại trong chiếc thùng nhôm đã bị móp méo khi đến ở tạm trong trại tù Thái-Lan một tuần, để hòan tất hồ sơ nhập cảnh vào Mỹ. Bộ quần áo mặc hôm ra đi vẫn nằm trong ấy, chút kỷ niệm ngày xưa buồn bã tang thương, mùi băng phiến hăng hăng nồng mũi thế mà tôi lại muốn ngửi lại. Con người kể cũng lạ, vừa muốn quên vừa muốn khơi lại, vừa muốn đóng vừa muốn mở ra, chưa kể sợ bị đau, nhưng lâu lâu lại muốn chạm thử vào xem còn hay hết.

Và bi kịch cứ tiếp diễn cho đến khi nhắm mắt.

05/04/2006 - 

No comments:

Post a Comment