Đi Về
Tiếng
kèn xe là điều khiến tôi biết tôi đang ở đâu, không phải San Jose, không phải
Little SaiGon, không phải Houston Texas, cũng không phải ở Pháp, Na-Uy, hay Đức
quốc.
Tôi đang
ở trong cơn mộng mỗi đêm của bao năm,
tôi đang ở ngay trong tiềm thức mơ màng thảng thốt bao năm, bao năm chưa một
lần nằm mơ thấy hình ảnh xứ sở mới nơi tôi đang sống trong ấy.
Trở lại
trong cơn mưa đầu mùa, hơi đất ẩm bốc lên là lạ. Không còn cỏ để mùi mưa thơm
như xưa, không còn những giàn hoa tim vỡ, không còn những lá me xưa che khoảng
đường vắng, lá đuổi theo tà áo vờn bay, khiến lòng tôi rưng rưng nghèn nghẹn.
Đám
nhau của tôi được chôn có lẽ đã tan mục thành thức ăn cho cây cỏ, ngay cả cỏ
cây đã chẳng còn tồn tại phần bụi cát đám nhau xưa. Nơi cắt rốn đã vũng biến đồi,
đồi hóa vũng, lồng ngực râm ran nhoi nhói.
Đông
người quá, đời sống bận rộn hơn, 37 năm sau 1975, Sài Gòn thành khối bê tông
xám buồn thay cho những hàng dậu ngày xưa. Công viên hè phố các giàn hoa được
trồng không đủ thay cho tảng màu xanh đã
mất, trên bức tranh hòn ngọc viễn đông.
Mắt tôi
dừng lại trên các giàn hoa phấn, giàn hoa cát đằng được trồng bên đường, đoạn
cầu Thị Nghè, đoạn cầu Tân Thuận, đoạn vườn Tao Đàn. Người Sài Gòn có thể lơ là
với các giàn hoa, ngay cả tên hoa nhiều người không màng biết đến! Biết để làm gì, khi lái xe mải nhìn trái phải
len lách tìm lối, kẻo không đâm đầu xe vào nhau.
Giàn
hoa tím cát đằng nở đầy dướí ánh nắng gay gắt hừng hực phố Tây ba lô, tôi không
kịp chụp hình vì được dặn mọi thứ be bé, phone cầm tay, máy chụp hình phải cất
kỹ kẻo bị giật bay đi mất. Giàn hoa cát đằng chiếc lá hình trái tim thật đẹp, tôi
nhớ ngày bà nội cho hoa leo lên hàng giậu căn nhà ở Xóm Mới, những chiếc hoa
màu tím loa kèn xinh xinh quyến rũ bướm ong, giàn hoa phấn hai màu hồng trắng, tỏa
mùi hương nhẹ như hộp phấn cotti mẹ tôi hay dùng, chấm nhẹ lên mặt, thuở bé tôi
hay mở nắp hộp dí mũi vào hít lấy hít để mùi hương, đến tuổi trăng tròn, có
những đêm tôi cùng các bạn rủ nhau đạp xe tìm hương hoa trên đường Hồ Xuân
Hương, đường Tú Xương thinh lặng.
Ai là
người còn thèm biết đến hương hoa, tên hoa như tôi? Cô bé tên Ny dễ thương tôi gặp khi ghé vào
sạp bán cây kiểng, bon sai, trên đoạn đường mới mở xuyên qua khu đất quân sự
ngày xưa, đã thành thạo giải thích từng tên gọi âm hưởng Nhật Bản, Hàn Quốc xa
lạ, cho các loại cây tôi biết có tên Việt Nam rất hay, như nhánh hoa vàng lủng
lẳng thuộc họ muồng – ô môi, khi xưa khoảng năm 1974 chỉ có hai cây, một trên
đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), một trên đường Tú Xương, nhánh hoa màu
vàng hoàng anh thõng thãnh đong đưa, tôi gọi là hoàng mai vũ, nay tên là ô si
ma hay âm gì đó na ná như thế.
Tôi dáo
dác tìm cây cườm thảo vàng, chỉ thấy các tán hoa bằng lăng thay thế. Tôi ngơ ngác tìm dù biết theo thời gian mọi
sự phải thay đổi. Thay đổi tốt hay xấu
đều tùy thuộc vào một định mệnh nào đó, đành dùng chữ định mệnh như một bất lực
đau lòng.
Quán
nhậu từ 10 ngàn đồng đến 10 triệu đồng, tiền Việt Nam tại mỗi con đường trong
thành phố Sài Gòn, nên người ta thích ra đường ăn nhậu, uống cà phê hơn là ở
trong nhà ngột ngạt, cô bạn Sài-Gòn thỏ thẻ nói với tôi như thế dưới gốc cây
trong quán cà phê rất đặc trưng của thành phố. Tôi dùng chữ đặc trưng có nghĩa
là phải có vài bực thang lát đá dẫn lên thềm, để sau đó là cửa kính kín, dẫn
vào căn phòng có máy lạnh, có che rèm, có bàn ghế đẹp, nhân viên phục vụ có đeo
bảng tên, đến cổng có người giữ xe, khung cảnh trang trí mỹ thuật kỹ càng, như
cô gái biết làm đẹp bằng mỹ phẩm. Tôi có
cám tưởng thành phố giống như thau bột làm bánh bao, bánh mì đang nở phồng,
những con men mỗi giây ngắn ngủi tăng trưởng theo cấp số nhân.
Tôi trở
về vì lý do nghĩa trang Bình Hưng Hòa thông báo cuối năm 2012 là hạn cuối để
dời tất cả các nấm nhà của người đã khuất đi nơi khác, để có đất xây khu chung
cư mới cho người đang sống. Tôi chắc
rằng khu chung cư đó không có chỗ cho những người như chị Thanh, chị Nhung
những người đang sống chung cùng các ngôi mộ.
Căn nhà của họ được che bằng vật liệu xây dựng mua lại, lỗ chỗ đấu đinh,
nắng rọi thành hoa trên vách.
Tôi đến thăm mộ hai đấng sinh thành dưới cơn
mưa đầu mùa lắc rắc, chị Nhung cùng ba đứa cháu gầy giơ xương đến xúm xít chung
quanh, chị mang cho tôi xô nước để lau rửa mộ bia, công việc này giúp cho chị
có một khoản tiền trôi nổi để nuôi cháu.
Suy nghĩ mãi mỗi ngày có bao nhiêu người đến thăm mộ, bao nhiêu người
cho chị chút tiền để sống? Bây giờ là
tháng năm, chỉ còn non bảy tháng nữa thôi là đến hạn, nhưng nhìn chung quanh
hàng hàng lớp lớp các ngôi mộ vẫn nằm lặng im câm nín, ngay cả vài ngôi mộ còn
ướt lớp đất mới chôn.
Đất ở
Việt Nam bây giờ thành vàng, sau khi cửa ngõ mở rộng mời vốn nước ngoài vào đầu
tư, cha mẹ anh em họ hàng bỗng thành kẻ thù của nhau, sau khi chia chác không
đồng đều miếng đất ruộng ngày xưa họ đã dè bỉu không ngó ngàng trồng tỉa, nay
nó thành xe đẹp, nhà cao thì nghĩa trang có nên tồn tại nữa không? Thông báo, niên yết, rồi chắc sẽ kêu người
đầu tư, khi ấy sẽ có bao nhiêu công ty đến để tha hồ các ông cán bộ, các bà kế
toán được hưởng lợi, mua thêm vàng, xây thêm nhà, mua thêm đất, gởi con ra nước
ngoài du học. Đám cháu của chị Nhung,
đám con của chị Thanh sẽ vẫn mãi lang thang đâu đó trên mảnh đất Bình Hưng Hòa
đã không còn hàng cau, vạt vườn vàng ươm màu hoa vạn thọ. Cánh tay gầy khẳng
khiu của cô con gái hơn mười tám tuổi, con của chị Thanh khiến tôi liên tưởng
đến bức tranh màu đen có đôi bàn tay giơ ra chụp bắt hình ảnh hào quang viễn
mộng chàng hoàng tử ngoại quốc Trung Hoa, Đại Hàn xa lạ.
Tôi
đứng tại một trung tâm có tên Vật Lý Trị Liệu, để thấy hình ảnh người đàn ông
dừng lại hỏi đường, sau lưng ông cô gái mặc bộ quần áo quê mùa khẩu trang che
kín mặt lúng túng e dè, khoanh hai tay cúi đầu gật chào anh chàng giữ xe sau
khi có câu trả lời, đoạn phim quay thật chậm, tôi mơ màng nghe câu đối đáp có
những chữ tìm việc, dưới quê, hôn nhân, gả bán... cần bao lâu thời gian để cô
bé ấy biến thành cô gái có vài lọn tóc màu vàng, mặc áo hở lưng đứng cách tôi
hơn ba mét đang nói chuyện trên điện thoại di động, tôi nghe: “Em không yêu anh
nữa mà, anh đừng kêu em nữa!” Giọng cô
to đủ cho câu nói, truyền vào tai tôi vượt qua khối ồn ào trên đường phố bận
rộn.
Tôi hỏi
han thì biêt, khu nghĩa trang chưa chắc đã giải tỏa theo đúng hạn kỳ đã niên
yết. Có vài công trình đã phải đình lại,
sau khi hợp đồng không thỏa mãn đủ túi tham của người có chức có quyền. Nếu muốn làm việc gì khi chưa đến lúc chín
muồi, ở thành phố này có nghĩa là phải đối đầu
với hoạnh họe và quát nat.
Muốn
bốc mộ, họ có giá rõ ràng, nhưng khi mở huyệt mộ các công nhân của chính quyền
biết cách làm tiền gia đình người đã khuất, họ bảo không tìm ra cốt vì hòm bị
tiêu hết rồi, xương nát hết rồi, ngay cả hỏi mình là có chắc đã chôn đúng nơi
đây hay không? Những câu hỏi hoang mang khiến gia đình rối rắm, dễ buông lời
van lơn nhất là hứa sẽ trọng thưởng nếu họ cố gắng đào cuốc thêm. Sự thật là họ
cố đào trật sang một bên, khi được hứa hẹn xong họ sẽ đào vào ngay trung tâm
huyệt mộ, họ còn gọi thêm người khác đến nữa, nếu biết gia đình từ ngoại quốc
trở về lo việc. Tôi cũng bị trường hợp
như vậy, sau khi đã bốc được cốt của bà cụ thân sinh, họ một hai bảo không thấy
chiếc quách đựng cốt của ông cụ thân sinh ra tôi mà năm 1982, tôi đã đến trại
cải tạo Suối Máu Biên Hòa dùng tay mình rửa xương cốt của ông, đặt vào chiếc
quách nhỏ, mang về chôn vào cùng huyệt với bà cụ. Tôi chỉ rõ ràng nơi tôi đặt
chiếc quách cho các công nhân bốc mộ, họ vẫn một mực bảo không tìm được đến lần
thứ tư! Tôi cứng rắn trả lời, tôi tin lời họ nói, chiếc quách nhỏ có thể đã tan
đã trôi đã hòa vào cốt của bà cụ, tôi không cần tìm kiếm nữa, họ cứ việc đóng
mộ, để chúng tôi mang phần còn lại đi thiêu, cùng lúc tôi khấn với ông cụ: “Bố
ơi, chị em chúng con về đây để thay áo cho Bố Mẹ, vẫn biết chết là hết, chúng
con cũng mong phần còn lại của Bố Mẹ được đặt vào nơi trang trọng, không bị cày
xới vùi dập, nếu Bố đã thật sự thành tro bụi hòa cùng Mẹ, chúng con xin phép
được đặt Bố Mẹ vào chung một tiểu Bố nhé!”
Họ nghe thế và đề nghị với tôi cho họ thử thêm lần nữa, lần này họ cuốc
vào đúng nơi tôi chỉ, chạm vào quách, mở ra chị em tôi thấy rõ nụ cười của Bố
chúng tôi. Từ nơi bốc mộ, đi sang nhà
thiêu ngay kề bên, vì cốt đã lâu, nên chỉ chờ vài tiếng là nhận được tro, họ
đặt vào chiếc tiểu nhỏ bằng sứ và niêm lại bằng keo trộn xi măng. Giá cả có theo qui định, nhưng tiền đưa riêng
cao hơn gắp đôi. Nhà thờ và nhà chùa tại Việt Nam có nhận giữ những chiếc tiểu
nhỏ bé này, dĩ nhiên gia đình phải cúng dường, phải dâng hiến một số hiện kim
tối thiểu, cũng theo qui định.
Xong
mọi việc, tôi phải “về”, mọi sự kể từ
lúc tôi “đi” đến nay vẫn y nguyên như
thế, có lẽ nó đã phát triển đến mức siêu phàm hơn điều tôi có thể tưởng tượng ra
được, tất cả mọi sự việc muốn làm ở Việt Nam đều có giá, từ ít nhất đến vô
định, tùy theo đối tượng, có khi tiền đã mất còn bị mang thêm họa tật. Tôi thật
sự không có ý định sẽ đến thăm Việt Nam lần nữa, như một vài bài viết của những
người du khách đã ghé thăm Việt Nam đã viết, người Việt dễ thương cần cù, ân
cần hiền lành, chính phủ Việt Nam khùng điên, có những luật lệ rừng rú không
sao đoán trước được, chính quyền không có luật đồng nhất, không tuân theo luật,
chuyên quyền hống hách v.v
Lại suy
nghĩ về chữ đi về, câu thơ hay câu nhạc gì đó đã viết: “Ta đang về hay ta đang đi” – “ Đi với Về
cùng một nghĩa như nhau” Trong tôi quê
hương bây giờ là một nơi mình đang đặt đôi chân, và một nơi khác vẫn nằm trọn
vẹn trong tim dù thời gian có khắc những vết hằn tàn tạ.
Mượn
lời thơ khắc khoải giải thích cho đôi hạt lệ cứ chực tràn ra khóe mắt
Một
vòng luân lạc - Về hay là đi - Mấy vòng luân lạc - Về cũng như đi
Đi là
sắp về - Về để lại đi - Thuyền đi hết biển – Lại về bến xưa
Mất mà
như còn – Tưởng còn lại mất – Mù mờ thua được – Còn không – Không còn.
Ấu Tím
No comments:
Post a Comment