Thursday, November 12, 2020

 

Măng

 

Măng nấu với chân giò, măng nấu với cá bông lau, măng xào mắm ruốc, măng kho thịt ba rọi, măng làm chua.  Cái mùi măng chua ai không quen khó chịu, quen rồi thì tương tư, phải tìm ăn không thôi nhơ nhớ, măng chua quê mùa mà duyên đằm thắm khó quên.  Măng dễ ăn, dễ kiếm, chẳng có tí ti gì chất bổ, chỉ tuyền là sơ với sơ, thế mà len lỏi cả vào cung đình, qua món măng khô nấu với chân gà, cũng như thân tình với bao người dân tay chân lấm láp bằng những món đơn sơ kể trên. 

Mua được cái nồi ủ bằng hơi nóng, nấu thử cái chân giò, tốn gần “hai con công” thật xứng đáng.  Nồi có hai lớp, lấy lớp bên trong ra nấu như thường, sau đó cho vào nồi to đậy nắp khóa kín, để đấy vài tiếng, mở ra nước trong, thịt mềm ngọt ơi là ngọt, chắc chắn tiền gas sẽ xuống nếu dùng nồi này để hầm xương nấu phở, nấu bún bò Huế. Có chân giò ngon, mua hũ măng chua, xả nuớc cho bớt mùi hăng, luộc sơ vắt ráo, thả vào nồi chân giò, mêm nếm hẳn hoi, rắc tí hành ngò thái nhuyễn lên mặt, thêm tí tiêu sọ xay, ăn với cơm nóng hay bún là bồng bềnh ngay một quê xưa đã khuất.

Lại  lẩn thẩn từ món canh măng , nhớ bụi tre tàu, nhớ hàng lồ ô, nhớ nhà xưa cảnh cũ, những hình ảnh đẹp dịu dàng trong trí tưởng thuở nghèo nàn, thuở chẳng biết phải gọi là gì , nhưng cũng gom được bao hạnh phúc, để có thể viết kể lể, viết kẻo quên đi mất. Viết cho các cô các cậu vừa lớn đọc để biết về măng được sinh ra từ bụi tre, viết cho các ông các bà đã xa bụi tre giếng nước bùi ngùi tấc dạ.

 

Thuở ấy sau 1975, thuở ấy tôi thôi thôi làm thơ, tôi yên vui việc nhà. Việc nhà không đơn giản chút nào, thuở ấy! Cái thuở bắt bớ lung tung, các ông các gia đình bị đóng dấu Ngụy không dễ thở chút nào, về quê ở ẩn trốn tránh lý lịch trích ngang – “con gái ngụy – chồng ngụy!!!”

Trong xóm quê nhà nào cũng có hai thứ  là giếng nước và bụi tre.  Dòng nước từ đất cho con người nguồn sống và bụi tre tàu như cái trụ nằm một góc vườn, thêm bờ tre lồ ô trồng quanh nhà che chở cái cơ ngơi bốn bề trống rỗng. Mùa mưa những búp măng bụ bẫm nhú lên, chỉ cần lấy cái leng hay cái thuổng xắn hai bên, là có một bữa ăn ngon sau ngày dài long đong chợ sớm, mưa chiều.

Từ bụi tre tàu đến cái giếng nước non mười thước , ngay khoảng giữa là nhà tắm, sàn chén, những loại rau khoái ẩm mọc rất xum xuê, bụi lá dứa, có cả đám lá dong để gói bánh chưng. Nhìn chiều sâu thăm thẳm, ẩm lạnh rêu và vài loại thực vật xinh xinh mọc chung quanh lòng giếng dễ tạo nên cảm giác sờ sợ. Mùa mưa nước đầy không sợ lắm, nhưng mùa khô khoảng thăm thẳm ấy, thăm thẳm hơn nhiều, tiếng vọng từ đáy giếng vang lên nghe ma quái sao ấy.  Sống ở nhà quê, khi ráng chiều chạng vạng, cơm nước xong, nhà nhà lên đèn người ta nhắc nhở nhau đã đậy giếng chưa?  Thành giếng chỉ cao hơn nền đất chừng vài tấc, buổi tối không trăng người đi ra chợ khuya không thấy đường,  rất dễ sa chân lọt giếng.  Không biết người bị lọt xuống giếng có cảm giác ra sao thế nào, nhưng ai hơi bị ngớ ngẩn, lẩn thẩn thường bị gọi là: “người té giếng!”
Có một thuở tôi ở nhà quê, trong xóm người ta sinh sống bằng nghề bán rau.  Một – hai giờ sáng người ta gọi nhau ơi ới, đi bộ ra nhà ông chủ xe đò ngoài đường lộ, để mang rau lên chợ Sài Gòn bỏ mối, người ta gọi chung tất cả chợ trong thành phố là chợ Sài Gòn, dù có người đến chợ Ông Tạ, người ra chợ Cầu Muối, kẻ đến chợ Bình Tây. Mang được rau lên chợ là người bán đã phải lo thu mua rau chung quanh thôn xóm từ chiều hôm trước, những loại rau thơm , bắp chuối, trầu cau, bưởi bong, món gì trồng được trong vườn đều đem bán được hết.

Đời sống bình dị, vợ đi bán, chồng ở nhà kéo nước tưới rau, trông con mọn, tan chợ vợ về nhà, lại lùng sục đi mua hàng cho buổi chợ ngày mai.  Bình dị nên nhiều điều bị dấu kín sau bụi tre buồn bã.
Một lần tôi đứng sững người, nhìn người ta kéo một chú bé mười tháng tuổi bị té xuống giếng. Nhà của bé cách nhà của tôi không xa lắm, hai cô chị sáu tuổi, bảy tuổi mải chơi banh đũa, cha thì đi thồ trầu cau ra chợ, có lẽ bé bò ra giếng thấy bóng mình trong giếng nhảy xuống chơi chăng? Bé chết, thằng bé mũi dãi lòng thòng bụng ỏng, có áo thì không có quần , tôi cứ nhớ nó ăn cơm chan xì dầu ngon lành mà ước gì con mình cũng ăn ngoan như thế. Nó chết khiến tôi buồn lâu lắm, nhất là mỗi tối má nó hay khóc kể tỉ tê. Nhà có bốn đứa con gái, vừa có thằng con bụ bẫm lại mất một cách đau đớn như thế.

Có lần nửa đêm tiếng kêu gấp rút: “Dượng ba ơi con tui nóng qúa, dượng chở giùm nó đi bệnh viện giúp tui dượng Ba ơi!"

Thằng bé ở ngay miếng đất đối diện, mỗi nhà cách nhau xa lắm, một khoảng sân, một khoảng vườn nhưng ai cũng biết nhau, đi đâu cũng chào hỏi thân tình . Tôi cứ áy náy thằng bé bị suyễn, nghẹt mũi ho hoài, nói má nó cho con uống thuốc tây, bà không cho, cứ dùng thuốc tán của thầy ba Cầu Bông đổ cho con uống. Thấy con  không khỏi, bà cạo gió giác lễ cho nó. Thằng bé ngày một xanh lả đi. Chồng tôi về nhà lắc đầu , tôi biết không kịp nữa.

Có buổi sáng nghe hàng xóm lao xao , ông Tư Thủng khuya qua nhậu xỉn, chưa về tới nhà đã chết queo bên bờ dậu . Nhậu rượu đế là chuyện mỗi ngày , thanh niên ông già, cha con chú bác quây quần nhậu, đàn bà ra chợ, đàn ông ở nhà buồn, nên bày bàn  nhậu chén chú chén anh. Say mềm họ rượt đánh nhau, người vợ tóc rối nhảy đong đỏng xỉa xói ông chồng say, tay còn bế đứa con đỏ hỏn. Tôi không biết làm gì trong những hoạt cảnh đầy màu sắc ấy .

Trong nhà sau khung cửa ọp ẹp là gia đình bình an của tôi. Mùi vỏ bưởi khô đuổi muỗi cho con, dưới ánh đèn dầu cha con dậy nhau đánh vần đọc sách, những con đom đóm bắt ngoài vườn cho vào cái hũ chao đã rửa sạch, phát ra luồng ánh sáng xanh xanh bích ngọc, tôi chỉ cần nhặt vài qủa dừa nhỏ rụng dưới gốc đã làm được mấy con búp bê tưởng tượng để kể chuyện cho con gái tôi nghe. Những đêm nghe tiếng chõng tre của con kêu cót két, sang mùng con thăm, thế nào cũng có đàn muỗi lọt vào trong đó, có con bụng căng phình mọng máu.

Nỗi nhớ bụi tre tàu của tôi, phải có tất cả những hình ảnh như trên mới hoàn hảo. Những đứa con của tôi đã quên bụi tre tàu của mẹ, có khi tôi buồn buồn tự hỏi:  “Tại sao con có thể quên?"
Nhưng nếu nhớ những đoạn đời đau khổ khi xưa, có làm con trưởng thành hơn không?

Bụi tre tàu trong trí nhớ của tôi, luôn có gío đưa xào xạc, làm tôi chẳng màng nghĩ đến gì khác cả, cái thời sau 1975 – cái thời tiểu thư “rớt xuống đất” của tôi nó thế, đôi kính hồng thay bằng đôi kính đen, che những giọt nước mắt cứ chực rơi xuống vì nhục.

Bây giờ quên dần những oan khiên – nhìn những bụp măng tươi bán trên kệ rau còn tươi rói lông măng, chẳng biết người ta trồng ở đâu, bên Mễ sang hay từ hòn đảo thần tiên Hawaii – nghe các bà dặn dò: “Đừng mua măng đóng trong gói, Tàu gởi sang bán đó!”

 

Đi Về

 

Tiếng kèn xe là điều khiến tôi biết tôi đang ở đâu, không phải San Jose, không phải Little SaiGon, không phải Houston Texas, cũng không phải ở Pháp, Na-Uy, hay Đức quốc.

Tôi đang ở trong cơn mộng mỗi đêm của bao  năm, tôi đang ở ngay trong tiềm thức mơ màng thảng thốt bao năm, bao năm chưa một lần nằm mơ thấy hình ảnh xứ sở mới nơi tôi đang sống trong ấy.

 

Trở lại trong cơn mưa đầu mùa, hơi đất ẩm bốc lên là lạ. Không còn cỏ để mùi mưa thơm như xưa, không còn những giàn hoa tim vỡ, không còn những lá me xưa che khoảng đường vắng, lá đuổi theo tà áo vờn bay, khiến lòng tôi rưng rưng nghèn nghẹn.

 

Đám nhau của tôi được chôn có lẽ đã tan mục thành thức ăn cho cây cỏ, ngay cả cỏ cây đã chẳng còn tồn tại phần bụi cát đám nhau xưa. Nơi cắt rốn đã vũng biến đồi, đồi hóa vũng, lồng ngực râm ran nhoi nhói.

 

Đông người quá, đời sống bận rộn hơn, 37 năm sau 1975, Sài Gòn thành khối bê tông xám buồn thay cho những hàng dậu ngày xưa. Công viên hè phố các giàn hoa được trồng không đủ thay cho tảng  màu xanh đã mất, trên bức tranh hòn ngọc viễn đông.

Mắt tôi dừng lại trên các giàn hoa phấn, giàn hoa cát đằng được trồng bên đường, đoạn cầu Thị Nghè, đoạn cầu Tân Thuận, đoạn vườn Tao Đàn. Người Sài Gòn có thể lơ là với các giàn hoa, ngay cả tên hoa nhiều người không màng biết đến!  Biết để làm gì, khi lái xe mải nhìn trái phải len lách tìm lối, kẻo không đâm đầu xe vào nhau.

Giàn hoa tím cát đằng nở đầy dướí ánh nắng gay gắt hừng hực phố Tây ba lô, tôi không kịp chụp hình vì được dặn mọi thứ be bé, phone cầm tay, máy chụp hình phải cất kỹ kẻo bị giật bay đi mất. Giàn hoa cát đằng chiếc lá hình trái tim thật đẹp, tôi nhớ ngày bà nội cho hoa leo lên hàng giậu căn nhà ở Xóm Mới, những chiếc hoa màu tím loa kèn xinh xinh quyến rũ bướm ong, giàn hoa phấn hai màu hồng trắng, tỏa mùi hương nhẹ như hộp phấn cotti mẹ tôi hay dùng, chấm nhẹ lên mặt, thuở bé tôi hay mở nắp hộp dí mũi vào hít lấy hít để mùi hương, đến tuổi trăng tròn, có những đêm tôi cùng các bạn rủ nhau đạp xe tìm hương hoa trên đường Hồ Xuân Hương, đường Tú Xương thinh lặng.

Ai là người còn thèm biết đến hương hoa, tên hoa như tôi?  Cô bé tên Ny dễ thương tôi gặp khi ghé vào sạp bán cây kiểng, bon sai, trên đoạn đường mới mở xuyên qua khu đất quân sự ngày xưa, đã thành thạo giải thích từng tên gọi âm hưởng Nhật Bản, Hàn Quốc xa lạ, cho các loại cây tôi biết có tên Việt Nam rất hay, như nhánh hoa vàng lủng lẳng thuộc họ muồng – ô môi, khi xưa khoảng năm 1974 chỉ có hai cây, một trên đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), một trên đường Tú Xương, nhánh hoa màu vàng hoàng anh thõng thãnh đong đưa, tôi gọi là hoàng mai vũ, nay tên là ô si ma hay âm gì đó na ná như thế.

Tôi dáo dác tìm cây cườm thảo vàng, chỉ thấy các tán hoa bằng lăng thay thế.  Tôi ngơ ngác tìm dù biết theo thời gian mọi sự phải thay đổi.  Thay đổi tốt hay xấu đều tùy thuộc vào một định mệnh nào đó, đành dùng chữ định mệnh như một bất lực đau lòng.

 

Quán nhậu từ 10 ngàn đồng đến 10 triệu đồng, tiền Việt Nam tại mỗi con đường trong thành phố Sài Gòn, nên người ta thích ra đường ăn nhậu, uống cà phê hơn là ở trong nhà ngột ngạt, cô bạn Sài-Gòn thỏ thẻ nói với tôi như thế dưới gốc cây trong quán cà phê rất đặc trưng của thành phố. Tôi dùng chữ đặc trưng có nghĩa là phải có vài bực thang lát đá dẫn lên thềm, để sau đó là cửa kính kín, dẫn vào căn phòng có máy lạnh, có che rèm, có bàn ghế đẹp, nhân viên phục vụ có đeo bảng tên, đến cổng có người giữ xe, khung cảnh trang trí mỹ thuật kỹ càng, như cô gái biết làm đẹp bằng mỹ phẩm.  Tôi có cám tưởng thành phố giống như thau bột làm bánh bao, bánh mì đang nở phồng, những con men mỗi giây ngắn ngủi tăng trưởng theo cấp số nhân.

 

Tôi trở về vì lý do nghĩa trang Bình Hưng Hòa thông báo cuối năm 2012 là hạn cuối để dời tất cả các nấm nhà của người đã khuất đi nơi khác, để có đất xây khu chung cư mới cho người đang sống. Tôi  chắc rằng khu chung cư đó không có chỗ cho những người như chị Thanh, chị Nhung những người đang sống chung cùng các ngôi mộ.  Căn nhà của họ được che bằng vật liệu xây dựng mua lại, lỗ chỗ đấu đinh, nắng rọi thành hoa trên vách.

 Tôi đến thăm mộ hai đấng sinh thành dưới cơn mưa đầu mùa lắc rắc, chị Nhung cùng ba đứa cháu gầy giơ xương đến xúm xít chung quanh, chị mang cho tôi xô nước để lau rửa mộ bia, công việc này giúp cho chị có một khoản tiền trôi nổi để nuôi cháu.  Suy nghĩ mãi mỗi ngày có bao nhiêu người đến thăm mộ, bao nhiêu người cho chị chút tiền để sống?  Bây giờ là tháng năm, chỉ còn non bảy tháng nữa thôi là đến hạn, nhưng nhìn chung quanh hàng hàng lớp lớp các ngôi mộ vẫn nằm lặng im câm nín, ngay cả vài ngôi mộ còn ướt lớp đất mới chôn.

 

Đất ở Việt Nam bây giờ thành vàng, sau khi cửa ngõ mở rộng mời vốn nước ngoài vào đầu tư, cha mẹ anh em họ hàng bỗng thành kẻ thù của nhau, sau khi chia chác không đồng đều miếng đất ruộng ngày xưa họ đã dè bỉu không ngó ngàng trồng tỉa, nay nó thành xe đẹp, nhà cao thì nghĩa trang có nên tồn tại nữa không?  Thông báo, niên yết, rồi chắc sẽ kêu người đầu tư, khi ấy sẽ có bao nhiêu công ty đến để tha hồ các ông cán bộ, các bà kế toán được hưởng lợi, mua thêm vàng, xây thêm nhà, mua thêm đất, gởi con ra nước ngoài du học.  Đám cháu của chị Nhung, đám con của chị Thanh sẽ vẫn mãi lang thang đâu đó trên mảnh đất Bình Hưng Hòa đã không còn hàng cau, vạt vườn vàng ươm màu hoa vạn thọ. Cánh tay gầy khẳng khiu của cô con gái hơn mười tám tuổi, con của chị Thanh khiến tôi liên tưởng đến bức tranh màu đen có đôi bàn tay giơ ra chụp bắt hình ảnh hào quang viễn mộng chàng hoàng tử ngoại quốc Trung Hoa, Đại Hàn xa lạ.

Tôi đứng tại một trung tâm có tên Vật Lý Trị Liệu, để thấy hình ảnh người đàn ông dừng lại hỏi đường, sau lưng ông cô gái mặc bộ quần áo quê mùa khẩu trang che kín mặt lúng túng e dè, khoanh hai tay cúi đầu gật chào anh chàng giữ xe sau khi có câu trả lời, đoạn phim quay thật chậm, tôi mơ màng nghe câu đối đáp có những chữ tìm việc, dưới quê, hôn nhân, gả bán... cần bao lâu thời gian để cô bé ấy biến thành cô gái có vài lọn tóc màu vàng, mặc áo hở lưng đứng cách tôi hơn ba mét đang nói chuyện trên điện thoại di động, tôi nghe: “Em không yêu anh nữa mà, anh đừng kêu em nữa!”   Giọng cô to đủ cho câu nói, truyền vào tai tôi vượt qua khối ồn ào trên đường phố bận rộn.

Tôi hỏi han thì biêt, khu nghĩa trang chưa chắc đã giải tỏa theo đúng hạn kỳ đã niên yết.  Có vài công trình đã phải đình lại, sau khi hợp đồng không thỏa mãn đủ túi tham của người có chức có quyền.  Nếu muốn làm việc gì khi chưa đến lúc chín muồi, ở thành phố này có nghĩa là phải đối đầu  với hoạnh họe và quát nat.

Muốn bốc mộ, họ có giá rõ ràng, nhưng khi mở huyệt mộ các công nhân của chính quyền biết cách làm tiền gia đình người đã khuất, họ bảo không tìm ra cốt vì hòm bị tiêu hết rồi, xương nát hết rồi, ngay cả hỏi mình là có chắc đã chôn đúng nơi đây hay không? Những câu hỏi hoang mang khiến gia đình rối rắm, dễ buông lời van lơn nhất là hứa sẽ trọng thưởng nếu họ cố gắng đào cuốc thêm. Sự thật là họ cố đào trật sang một bên, khi được hứa hẹn xong họ sẽ đào vào ngay trung tâm huyệt mộ, họ còn gọi thêm người khác đến nữa, nếu biết gia đình từ ngoại quốc trở về lo việc.  Tôi cũng bị trường hợp như vậy, sau khi đã bốc được cốt của bà cụ thân sinh, họ một hai bảo không thấy chiếc quách đựng cốt của ông cụ thân sinh ra tôi mà năm 1982, tôi đã đến trại cải tạo Suối Máu Biên Hòa dùng tay mình rửa xương cốt của ông, đặt vào chiếc quách nhỏ, mang về chôn vào cùng huyệt với bà cụ. Tôi chỉ rõ ràng nơi tôi đặt chiếc quách cho các công nhân bốc mộ, họ vẫn một mực bảo không tìm được đến lần thứ tư! Tôi cứng rắn trả lời, tôi tin lời họ nói, chiếc quách nhỏ có thể đã tan đã trôi đã hòa vào cốt của bà cụ, tôi không cần tìm kiếm nữa, họ cứ việc đóng mộ, để chúng tôi mang phần còn lại đi thiêu, cùng lúc tôi khấn với ông cụ: “Bố ơi, chị em chúng con về đây để thay áo cho Bố Mẹ, vẫn biết chết là hết, chúng con cũng mong phần còn lại của Bố Mẹ được đặt vào nơi trang trọng, không bị cày xới vùi dập, nếu Bố đã thật sự thành tro bụi hòa cùng Mẹ, chúng con xin phép được đặt Bố Mẹ vào chung một tiểu Bố nhé!”   Họ nghe thế và đề nghị với tôi cho họ thử thêm lần nữa, lần này họ cuốc vào đúng nơi tôi chỉ, chạm vào quách, mở ra chị em tôi thấy rõ nụ cười của Bố chúng tôi.  Từ nơi bốc mộ, đi sang nhà thiêu ngay kề bên, vì cốt đã lâu, nên chỉ chờ vài tiếng là nhận được tro, họ đặt vào chiếc tiểu nhỏ bằng sứ và niêm lại bằng keo trộn xi măng.  Giá cả có theo qui định, nhưng tiền đưa riêng cao hơn gắp đôi. Nhà thờ và nhà chùa tại Việt Nam có nhận giữ những chiếc tiểu nhỏ bé này, dĩ nhiên gia đình phải cúng dường, phải dâng hiến một số hiện kim tối thiểu, cũng theo qui định.

 

Xong mọi việc, tôi phải  “về”, mọi sự kể từ lúc tôi “đi” đến nay  vẫn y nguyên như thế, có lẽ nó đã phát triển đến mức siêu phàm hơn điều tôi có thể tưởng tượng ra được, tất cả mọi sự việc muốn làm ở Việt Nam đều có giá, từ ít nhất đến vô định, tùy theo đối tượng, có khi tiền đã mất còn bị mang thêm họa tật. Tôi thật sự không có ý định sẽ đến thăm Việt Nam lần nữa, như một vài bài viết của những người du khách đã ghé thăm Việt Nam đã viết, người Việt dễ thương cần cù, ân cần hiền lành, chính phủ Việt Nam khùng điên, có những luật lệ rừng rú không sao đoán trước được, chính quyền không có luật đồng nhất, không tuân theo luật, chuyên quyền hống hách v.v

 

Lại suy nghĩ về chữ đi về, câu thơ hay câu nhạc gì đó đã viết:  “Ta đang về hay ta đang đi” – “ Đi với Về cùng một nghĩa như nhau”  Trong tôi quê hương bây giờ là một nơi mình đang đặt đôi chân, và một nơi khác vẫn nằm trọn vẹn trong tim dù thời gian có khắc những vết hằn tàn tạ.

Mượn lời thơ khắc khoải giải thích cho đôi hạt lệ cứ chực tràn ra khóe mắt

Một vòng luân lạc - Về hay là đi - Mấy vòng luân lạc - Về cũng như đi

Đi là sắp về -  Về để lại đi -  Thuyền đi hết biển – Lại về bến xưa

Mất mà như còn – Tưởng còn lại mất – Mù mờ thua được – Còn không – Không còn.

 

Ấu Tím

 

Yêu – Thích

(Tản mạn kỷ niệm 44 Năm Nhập Trường của Khóa 26 – Tháng 6, 2013 Orange County – California)

Tôi không dám khẳng định ngày mai bạn hay tôi sẽ trúng số, nhưng chắc chắn một điều trong tương lai tôi và bạn sẽ già . Câu đầu môi : Sinh Lão Bệnh Tử nghe như đùa mà có thật . Sinh : Mình không lựa chọn được – Lão Bệnh Tử cũng không thể từ chối .

Tôi thắc mắc giữa khoảng Sinh và Lão Bệnh Tử là cái gì, tại sao không thấy nhắc đến . Có phải trong khoảng đó,  tôi-bạn có quyền quyết định, có quyền chọn lựa để đến lúc Lão Bệnh Tử có những phận số khác nhau chăng! Người phải lăn lộn ăn năn luyện tội truớc khi chết trên giường bệnh, hay thanh thoả hồn xác rũ áo ra đi, lánh cõi trần này trong giấc ngủ nhẹ nhàng, không cần lo lắng chuyện kèn trống quan quách, chẳng cần thắc mắc: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa đời có mấy người đưa?

Cô bạn gởi thơ viết vài điều về tuơng lai sẽ thế nào khi về già, những đau tay đau cổ đau lưng, những mệt mỏi uể oải khi sáng phải thức đậy di làm, về đến nhà không còn sức đế càm ràm chồng con!  Nhớ ngày nào xông xáo dọn dẹp, nay cửa nhà có hơi bề bộn chút cũng chẳng sao, sức lực còn nữa đâu mà chinh đông dẹp bắc, dọn phòng khách dẹp phòng ngủ, chùi rửa phòng tắm phòng ăn,  cuối tuần chợ búa? Màn hình máy vi tính đợi chờ cô viết ba điều bốn chuyện, luyện tiếng Việt, ôn văn chương thi phú, ngón tay mệt mỏi, ý tuởng chẳng còn nhạy bén quên nhớ nhập nhằng. Đọc một đoạn văn, tìm một đoạn thơ, ngơ ngác hỏi sao thiên hạ còn yêu đời quá thế!

Tôi vội vã khuyên can vỗ về, tại không còn yêu đấy thôi, nếu bạn còn yêu, đời sẽ vẫn vui như cũ, “Sống mà không được yêu là chết mà biết thở!”  Thời thanh xuân, cần được yêu, thời xế bóng không cần được nữa mà phải chủ động yêu, YÊU cái gì, yêu ai, yêu thế nào là điều cần phải động tâm suy nghĩ. 

Vợ chồng ư, ba chữ Y – Ê – U đã thành N – H – Ẫ – N  thành T – H – Ư – Ơ – N – G

Con cái ư! Chúng chẳng cần gì mình nữa, đã có mái ấm riêng, đã có đời riêng, quý trọng mẹ cha lâu lâu ghé về ăn bữa cơm mẹ nấu, gọi điện thoại hỏi thăm vài câu đã làm mẹ xúc động bồi hồi.

Cháu nội ngoại ư, yêu chúng cho nhiều chỉ chuốc thêm phiền não, vì không thay đổi được đường lối dậy con của cha mẹ chúng.

Thế thì Yêu gì bây giờ? Tiếng Việt mình, chữ Yêu bao la quá, gì cũng Yêu, trong khi người Nhật và người Đại Hàn ít khi dám dùng chữ Yêu, họ chỉ dùng chữ Thích cho dù ngôn ngữ của họ cũng có chữ Yêu hẳn hoi. Dám kể ra thế này vì khi xem phim Nhật phim Đại Hàn có phụ đề Anh ngữ, chỉ thấy chữ Thích – Like. Tò mò hỏi bạn người Nhật, người Đại Hàn, họ giải thích chữ Yêu rất ít khi được dùng vì người ta để dành cho những tình cảm thiêng liêng sâu kín chân thành (!) thí dụ như: “Yêu người trong mộng còn lại trong ký ức, không đụng không vói không tìm lại được nữa!”  cách giải thích đơn giản nhưng dễ hiểu làm sao, thi sĩ Hồ Dzếnh để đời trong bài Ngập Ngừng: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Tình mất vui khi đã vẹn câu thề!” Một ý tưởng mới lạ vượt qua khỏi lễ giáo, chống lại định kiến yêu phải thủy chung son sắc từ khởi đầu đến kết thúc, nếu yêu mà không được sống gần nhau, không được lấy nhau chỉ có một con đường là ốm tương tư đến chết, không chết thì phải đi tu! Ai không tin, lục lọi trong tàng kinh các Google, các sách truyện thời nhà thơ Hồ Dzếnh sống sẽ thấy,  truyện tình yêu kết thúc trong bẽ bàng đau khổ vì cửa nhà không cao to bằng nhau, môn không đăng hộ không đối. Lý do khiến hai câu thơ được ghi chép từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ ông đến cha đến con, ai cũng giấu giếm trong tim hình bóng một người, vì tình đẹp, người đẹp khi tình dang dở!

Lan man từ già sang yêu, sang thích sang bí ẩn góc trái tim của quí ngài võ biền, vai rộng lưng cao người viết đang chứng minh một điều: “phụ nữ lắm chuyện!” ai hơn được phụ nữ về khía cạnh này nhỉ! Một câu nói một cử chỉ của người đối diện, đủ khiến phụ nữ diễn giải tâm lý nhân vật một cách khúc chiết, có lớp lang thứ tự như một thiên tiểu thuyết tràn đầy tâm tư tình cảm, dù sự thật “chẳng có gì sất” như lời xác nhận cương quyết của một nhân vật, đã được ghi vào thiên tình sử, thuở khăn gói nhập trường Võ Bị Đà Lạt 44 năm về trước.

Tình sử luôn có khía cạnh quyến rũ riêng tư của nó, càng ra vẻ bí mật càng khiến thiên hạ trầm trồ, hình bóng bí ẩn mơ hồ trường nữ Couvent Des Oiseaux, hình dạng hiển nhiên Bùi Thị Xuân, luôn được nhắc với giọng trầm xuống chút đỉnh, đôi mày cau cau, ánh mắt nhìn quanh xem cả bàn tiệc có chú ý đến người đang kể hay không, kéo đuôi mắt liếc nhanh sang người phụ nữ ngồi bên cạnh, người được đặt tên: “Thích Muôn Đời”  xem nét mặt nàng có biến sắc hay không, nếu nét mặt nàng không có gì thay đổi, chuyện bí ẩn tiếp tục được kể một cách say mê theo trình tự:

-        Trốn phố ra chợ gặp chị Chúc mượn tiền.

-        Dẫn lên Đồi Cù.

-        Đi ăn kem Tuổi Ngọc, uống cà phê Tùng .

-        Ngồi nhà Thủy Tạ.

 

Câu chuyện chỉ ngưng lại khi người được Thích Muôn Đời nhắc: “Anh kể thiếu đoạn nàng bỏ rơi anh, để theo ông quan ba có xe jeep đến đón!”  Xin phép viết thêm cho rõ ràng là: Thích Muôn Đời = Vợ = người phụ nữ lãnh nhận nhiệm vụ chăm sóc an ủi vỗ về, chịu thương chịu khó trong đời của chàng = người được gán cho đủ danh hiệu hoa mỹ sau lưng như: đấng bề trên, bà chủ, thủ trưởng, cấp chỉ huy, công an khu vực, bà chằn, sư tử Hà Đông v.v Có lẽ người Việt cũng không dùng chữ Yêu để nói với vợ hoặc chồng mình, nên được nói nhỏ vào tai: “Em là người anh thích muôn đời đã là một vinh hạnh.

Nhìn quanh bàn tiệc, những mái tóc muối nhiều hơn tiêu mặn chát , nên bia lạnh cứ thế mà hòa vào cho nhạt bớt tiếng xuýt xoa, khoe đau đây đau kia ra vẻ ta đây chẳng thua ai, bệnh mất ngủ, bệnh cao mỡ, cao máu, biến chứng này nọ của thuốc. Thay vì bầy cách theo cô này cô nọ, các ông bây giờ bầy nhau uống lá, lá đu đủ chữa ung thư, lá vú bò chữa tiểu đường, lá gừng chữa đau bụng, trộn quanh với bao kỷ niệm không thể nào quên những ngày còn là sinh viên sĩ quan Đà Lat.

Chẳng biết tại sao, mối tình bốn năm dưới mái trường Võ Bị Đà Lạt lại thâm sâu bền vững đến thế, có dang dở chi đâu chứ, yêu chi mà yêu lạ yêu lùng, chỉ cần nghe có chữ Võ Bị là đâu cũng đến, xa mấy cũng đi, khóa mấy không cần biết, nghe kêu là xỏ áo chạy.

Nhờ có internet mà  mưa đông gió tây, mây nam giông bắc ai ai cũng biết nơi hội ngộ để tụ về, dây nhợ nào giăng mà tin đi tin đến như mắc cưởi lụa đào, từ Việt Nam sang, từ Úc Châu đến, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có đến gần chục tiểu bang góp mặt.  44 năm, nếu không vì yêu tha thiết dễ gì còn nhớ tên nhớ họ, dễ gì mà ông lão hơn 60 trở lại mốc xuân thì, chẳng lụ khụ chống gậy “lậy cụ” lại mày tao mi tớ như xưa. Một tuần trước kéo thêm một tuần sau ngày hội chính, các ông cứ nắm níu lấy nhau như hình với bóng, như ái thiếp với quân vương, quên vợ quên con, quên cả cháu, tay xua: “Ai đi đâu cứ đi, để anh ngồi đây với các bác!”  

Tôi không đi mua sắm, không màng ghé các quầy hàng ăn uống trong khu Phước Lộc Thọ nổi danh khắp nơi tại khu Little Saigon, tôi nhất định theo chồng hóng chuyện dù có lúc bị xua đuổi, : “Đàn bà đi chỗ khác chơi!”  Có lẽ các anh sợ “chuyện xưa” bị lộ “về chết với bả!” Tôi phải giơ tay thề thốt, nghe tai này cho qua tai kia, không mách lẻo, không “buôn lê”  bán rẻ bạn của chồng, dù biết làm như thế là “đứng sai chiến tuyến.” Nhưng, chuyện đã qua trong quá khứ chỉ là chuyện kể không còn tồn tại, đống tro tàn khơi lại nhẹ nhàng có chút vấn vương ngơ ngác, như khói thuốc thơm “râu” thế thôi, có được “ký phép” cho các chàng tìm gặp lại cố nhân, gần trăm phần trăm đều trả lời: “Xin bà cho mai!” Bởi lẽ gặp lại, hình dáng xưa sẽ vỡ nát như gương, khuôn mặt kiêu sa như Hằng Nga, như Tây Thi, như Dương Quí Phi chắc chắn sẽ bị méo mó trong mắt chàng, nhất là sợ phải gởi tiền về Việt Nam tặng nàng đi gắn hàm răng giả! Có chàng còn biết nàng đang định cư tại một nơi rất gần tiểu bang mình ở, có cả số điện thoại riêng mà rồi tự động xé tờ giấy ghi số điện thoại đó đi không giữ nữa, vì nàng góa bụa còn đang nuôi con đi học, thăm hỏi xong rồi sẽ phải làm gì, cho dù có gặp giữa đường cũng đành “Liếc đưa nhau đi rồi đôi mắt có đuôi!”  Phan Khôi xa cách chỉ “hai mươi mấy năm xưa!” đằng này bốn mươi bốn năm xưa! Thả gió bay vù cho xong. Lý do tôi đã phớt lờ không kể thêm gì về nhân vật khẳng định “chẳng có gì sất” bốn mươi bốn năm trước ở đoạn trên!

Nhờ tính gan lì tướng quân ấy, tôi biết đôi điều rất đặc biệt về Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi chồng tôi đã hân hạnh được thụ huấn, được trui rèn thành người đàn ông gần như tuyệt vời của tôi, dùng chữ “gần như” vì tôi không muốn bị mang tiếng là tôn vinh chồng quá đáng, anh vẫn có bao nhiêu khuyết điểm vì làm kiếp con người, nếu toàn vẹn thì đã thành thánh nhân, mà thánh nhân thì không sống được trên trái đất này!     

Ngôi trường ấy, cách đây 44 năm, đã nhận gần hai trăm thanh niên trên khắp các vùng đất nước từ Quảng Trị cho đến Cà Mau, có người từ Lào, Thái, có người đã lê la bao năm đại học, có anh mới tò te vừa đậu bằng tú tài hai, có người từ thành thị phồn hoa, cũng không ít những chàng ở nhng nơi xa xôi nghèo khó vào Khóa 26. Họ đã giã từ tuổi hoa niên, lứa tuổi đẹp đẽ nhất của đời người, đến một nơi được gọi là "nơi quy tụ những chàng trai có lý tưởng quốc gia." Họ chọn binh nghiệp thay vì vào các đại học có “cây dài bóng mát” để “uống ly chanh đường uống môi em ngọt!”
Đà Lạt, vùng trời cao nguyên thơ mộng, cuối thập niên 60 là nơi dành cho người quyền quý giàu có lên nghỉ mát, không hiếm người sống cả đời chỉ mong một lần được ghé thăm Đà Lạt, chụp hình bên cạnh thác Cam Ly, bên cạnh gốc thông già, và được thấy người Thượng không mặc áo. Chuyện tình hồ Than Thở lại càng khiến Đà Lạt thêm huyễn hoặc, các cô thiếu nữ mê man đọc “Thung Lũng Tình Yêu” – “Mắt Tím” của Lệ Hằng để mơ màng trở thành cô thiếu nữ trong truyện, lên Đà Lạt nghỉ hè, gặp tình đầu lãng mạn.

Các chàng trai trẻ mái tóc bềnh bồng, chiếc áo sơ mi trắng vải điệu đàng, hăm hở xuống sân bay Liên Khương, bước qua cổng Nam Quan , nhập khóa 26 Trường Võ Bị Đà Lạt. Sau hồi kèn nhập trường, trở thành những tân khóa sinh, nhận quân trang quân dụng, cạo tóc 3 phân, được gặp các “hung thần” trong tám tuần lễ sơ khởi, đã khiến tất cả trở thành một khối đồng cam cộng khổ, biến họ từ anh  thư sinh ẻo lả thành người hùng hiên ngang, cơm và hơn chục bát, sữa hộp uống cả một lon,  đã được các chàng lưu giữ kỷ niệm đến mãi bây giờ.

Qua được giai đoạn đầu khó khăn ấy, các chàng trai tóc ngắn ba phân, dáng người khỏe mạnh trong bộ treillis màu lá cây được huấn luyện để trở thành một sĩ quan hiện dịch văn võ song toàn,  Họ phải trở nên những nhà lãnh đạo quân sự và hành chánh cho cả thời chiến lẫn thời bình. Họ phải học khổ sở cả ba chuyên ngành: khoa học thuần túy, khoa học ứng dụng, và nhân văn xã hội.  Khi Tân Thiếu Úy ra trường có văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng, tương đương với tất cả các trường đại học công lập trên toàn cõi Việt Nam. Khổ sở, nhưng các anh đã được hưởng ưu đãi hàng đầu của đất nước, tiện nghi vật chất không thiếu, “hung thần” của 8 tuần sơ khởi chính là những ông tiên, âm thầm chăm sóc “đàn em”, nhất là khi được ra phố với cầu vai mang alpha đỏ, bao nhiêu ánh mắt “em cao nguyên má đỏ môi hồng” chiêm ngưỡng.

Với lý tưởng đã có sẵn, kèm thêm món nợ quốc gia đặt trên vai, những người trai ưu tú ấy đã tự đặt cho mình một mục đích cao hơn ngày còn là dân chính, với áp lực ấy, họ xung phong vào các binh chủng mặt đối mặt với quân thù Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù.

Một trăm bảy mươi lăm sĩ quan khóa 26 đã không làm thất vọng sự mong đợi của Trường Mẹ. Một phần ba trong số các sĩ quan ấy đã hy sinh anh dũng trên chiến địa, họ ra đi khi còn quá trẻ. Ngày hội ngộ, hình ảnh của các anh được chiếu trên màn ảnh, làm bao giọt lệ lăn dài trên  má khi nghe xướng danh tưởng nhớ.

Vào mùa hè, mùa lễ nghỉ, các khóa thay nhau hội họp, nội dung giống nhau, tiền đại hội, đại hội với âm nhạc, khiêu vũ, tặng hoa “cám ơn hiền nội”, các ông tìm về kỷ niệm trẻ lại hơn hai mươi tuổi, các bà được theo chồng, nghe chuyện kể râm ran, cho dù câu chuyện năm này sang năm khác, lần họp này sang lần họp khác cũng vẫn cùng một nội dung. Nghe câu: “Xin ông cho mai!” lại phá lên cười, nhắc đến đánh bi da thắng mì gói, nhậu say bên khu gia binh, dẫn bạn gái ra vườn con thỏ, món nợ chưa trả chị Mai, bộ đồ “vía” bán ngay sau khi mãn khóa để trang trải nợ nần, người này biếng nhác lau nhà, kẻ nọ giả bộ đau chân để vào “phái đoàn thiện chí!”

Những mái đầu xanh giờ đã bạc, khán phòng râm ran cười nói, Trường Mẹ Võ Bị Đà Lạt có 31 người con, theo thời gian còn lại đâu đó 22 người (khóa) họa hoằn lắm mới nghe xướng danh các niên trưởng khóa 4, 5, 6, 7, 8, 9, con số sẽ bớt đi mỗi năm – tiểu gia đình cũng thế, theo thời gian con số hiện diện cũng vắng đi dần. Các niên trưởng tuổi già sức yếu, mối tình chung dù vẫn âm thầm mãnh liệt, cũng chỉ có thể gởi chút hiện kim đóng góp, đôi chân run, cánh tay yếu không sao đến được để họp mặt với nhân tình. Anh Tô “to” khóa 19 gặp em Tô “nhỏ” khóa 29 cách nhau mười năm tuổi, chẳng kể trẻ già, chén chú chén anh, hỏi thăm nhau ba điều bốn chuyện, hẹn hò nhau, đến hội lại lên.

Còn gì cho nhau nhỉ ngoài mối tình chung không thể xóa nhòa này, chữ Yêu diễn tả ở trên được dùng trong trường hợp này còn gì đúng hơn nữa không! Dòng máu trẻ trung luân lưu trong cơ thể được xem là đã lão trong ngày họp khóa, khiến đôi mắt các chàng sáng hơn, miệng cười tươi hơn, quên hết tất cả chỉ còn niềm hoan lạc: Anh em ta về - cùng nhau ta quây quần này . . .  tìm về tuổi trẻ. Lý tưởng ngày xưa nay thành liều thuốc bổ ngày nay.

“Sống mà không yêu, là chết mà biết thở!” Già rồi tìm đến các bạn đồng khóa để được yêu, các bà “Thích Muôn Đời” sẽ khuyến khích và hoàn toàn không ngăn cản mối tình này.